Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Hội thảo quốc gia “Đánh giá tiềm năng xuất khẩu” tổ chức tại Hà Nội ngày 30/7.
Theo "Báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia" được đưa ra tại hội thảo, nhóm ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam hiện vẫn là sắn, cà phê, cao su, tiêu và gia vị, mây tre lá, gốm sứ, gỗ và các mặt hàng gỗ mỹ nghệ.
Các mặt hàng được đánh giá ở mức cao, gồm cá tra, cá ngừ, tôm. Ngành điện, điện tử, dệt may, da giày, du lịch và xuất khẩu lao động cũng là những ngành có tiềm năng xuất khẩu cao.
Nhóm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu trung bình gồm: Rau quả, chè, mật ong, nhuyễn thể, điều và các loại hạt khác, lâm sản, máy móc thiết bị, kim khí mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật, dịch vụ vận tải, dịch vụ phần mềm.
Những tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu cũng được Báo cáo đưa ra là do giá trị gia tăng thấp, chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém, quy hoạch kém… Đặc biệt, việc kiến thức hạn chế về thị trường nước ngoài cũng như các vấn đề thương mại quốc tế, thiếu thông tin thị trường cũng là vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Ông Hải cho biết, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp chế tạo-chế biến, giảm xuất khẩu thô và nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm mở cửa thị trường.
Do đó, cần xác định các ngành hàng, dịch vụ có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai và tái khẳng định những ngành hàng đã xuất khẩu tốt, phát hiện những mặt hàng chưa có thống kê xuất khẩu hoặc đã xuất khẩu với số lượng hạn chế nhưng có tiềm năng để xúc tiến trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DN nhỏ và vừa, qua đó thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên toàn quốc.
Cũng về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Đỗ Kim Lang cho rằng trong thời gian tới cần phải xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ để giải quyết bài toán nguyên vật liệu đầu vào; tăng cường liên kết trong chuỗi cung cứng nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu riêng… là những giải pháp cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu.
Phan Trang