Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, trong tháng 10, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo đã thanh tra, kiểm tra hơn 3.200 vụ; xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 295 vụ, gian lận thương mại hơn 2.600 vụ và hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 97 vụ; xử lý vi phạm hành chính hơn 178 tỷ đồng; khởi tố 17 vụ, với 21 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là hơn 450 tỷ đồng.
Nhằm chặn đứng tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, gia cầm đặc biệt là lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố) đã ban hành văn bản số 992/QLTTHN-NVTH chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm; tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện các văn bản số 888/QLTTHN-NVTH về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh xăng dầu; văn bản số 922/QLTTHN-NVTH về việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng xe điện...
Trong tháng, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã kiểm tra 477 vụ, xử lý 424 vụ, phạt hành chính 6 tỷ 253 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 4 tỷ 7 triệu đồng.
Nhiều vụ việc vi phạm lớn, điển hình đã được Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kịp thời phát hiện và tiến hành kiểm tra, thu giữ. Cụ thể như ngày 09/10, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp với Đội 7 - Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an TP. Hà Nội phát hiện 1.390 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn sử dụng.
Tiếp đó, ngày 12/10, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phát hiện một cơ sở kinh doanh tập kết gần 1.500 ống phóng pháo hoa là pháo hoa giả mạo của Công ty TNHH một thành viên hóa chất 21 - Bộ Quốc phòng. Đây là vụ việc đầu tiên phát hiện hàng hóa giả mạo là pháo hoa với số lượng lớn, mặt hàng được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật để bảo đảm công tác phòng chống cháy nổ, an toàn đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Lực lượng Công an TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm tàng trữ, sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong tháng, Công an TP. Hà Nội đã kiểm tra 234 vụ, xử lý 213 vụ, phạt hành chính 2 tỷ 64 triệu đồng. Truy thu thuế, thu hồi huế 6 tỷ đồng; Trị giá hàng vi phạm 16 tỷ 458 triệu đồng; Khởi tố 15 vụ đối với 19 đối tượng.
Cục Hải quan TP. Hà Nội tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, trị giá hàng hóa lớn, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; trong đó đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; Kiểm tra, kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, đầu tư, gia công, sản xuất, xuất khẩu; hoạt động xuất nhập cảnh nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong tháng, Cục Hải quan Hà Nội cũng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 94 vụ, phạt hành chính 36 tỷ 700 triệu đồng. Truy thu thuế 3 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 10,6 tỷ đồng. Khởi tố 2 vụ đối với 2 đối tượng.
Từ nay đến cuối năm, nhận định thị trường sẽ ngày càng "nóng" lên vì thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp. Chính vì thế, từ nay đến cuối năm, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội sẽ tiếp tục nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm; làm tốt công tác nghiệp vụ; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nhất là hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, cần đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng có hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; nhất là hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thị trường nội địa, hoạt động thương mại điện tử…
Diệu Anh