Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, dữ liệu mở là một trong những nội dung được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm trong nhiều năm vừa qua. Tại báo cáo "Chỉ số phát triển chính phủ điện tử" của Liên Hợp Quốc trong những năm gần đây, dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng được đề cập tại nhiều báo cáo. Các thông tin và số liệu tại các báo cáo đã thể hiện rõ sự phát triển mạnh mẽ của dữ liệu chính phủ trên phạm vi toàn cầu và vai trò của dữ liệu như là một yếu tố đầu vào quan trọng, hữu ích để góp phần xây dựng các chính sách, quản trị tốt và hiệu quả hơn.
Có thể nói, dữ liệu mở, đặc biệt là dữ liệu mở của chính phủ, là một nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Đối với dữ liệu mở, các cơ quan nhà nước đóng một vai trò quan trọng ở góc độ số lượng, quy mô dữ liệu được thu thập cũng như khả năng cung cấp dữ liệu mở.
Nghị định 47/2020/NĐ-CP đã quy định "Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ và thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế, xã hội". Điều 21 của Nghị định cũng quy định "dữ liệu mở phải được công bố trên Cổng dữ liệu quốc gia".
Tính đến thời điểm hiện tại, Cổng dữ liệu quốc gia có hơn 10.605 tập dữ liệu. Trong đó, chủ đề có nhiều tập dữ liệu nhất lần lượt là xã hội với 9.989 tập dữ liệu, công nghệ (117).
Hiện nay đã có một số Bộ, ngành, địa phương đã có chủ trương cũng như đã xây dựng cổng dữ liệu mở. Tuy nhiên, vấn đề về số lượng, tính đa dạng cũng như chất lượng của các tập dữ liệu vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
Để việc cung cấp dữ liệu mở được triển khai có chất lượng, hiệu quả, cũng như đáp ứng được các mục tiêu mà các chiến lược, chương trình đã đặt ra, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc xây dựng danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là việc làm cần thiết.
Theo dự thảo, danh mục dữ liệu mở được chia thành 14 nhóm chủ đề chính bao gồm: Giáo dục, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Khoa học, Kinh tế, Lao động, Môi trường Tài nguyên, Nông nghiệp, Tài chính, Văn hóa Du lịch, Xã hội, Xây dựng, Y tế, sức khỏe và Chủ đề khác.
Số lượng các dữ liệu mở đề xuất là 137 loại dữ liệu, cụ thể như sau với từng chủ đề:
- Chủ đề Giáo dục: 15 dữ liệu.
- Chủ đề Công nghệ thông tin và Truyền thông: 10 dữ liệu.
- Chủ đề Giao thông vận tải: 16 dữ liệu.
- Chủ đề Khoa học: 04 dữ liệu.
- Chủ đề Kinh tế: 08 dữ liệu.
- Chủ đề Lao động: 05 dữ liệu.
- Chủ đề Môi trường Tài nguyên: 08 dữ liệu.
- Chủ đề Nông nghiệp: 21 dữ liệu.
- Chủ đề Tài chính: 10 dữ liệu.
- Chủ đề Văn hóa Du lịch: 19 dữ liệu.
- Chủ đề Xã hội: 06 dữ liệu.
- Chủ đề Xây dựng: 07 dữ liệu.
- Chủ đề Y tế, sức khỏe: 08 dữ liệu.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Minh Đức