Ảnh minh họa |
Theo đó, hàng hóa của cư dân biên giới là hàng hóa được sản xuất tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc nước láng giềng do cư dân biên giới mua bán, trao đổi ở khu vực biên giới 2 bên để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của cư dân biên giới.
Danh mục hàng hóa được nhập khẩu vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới gồm: cá sống, cá khô; rau, củ, quả; ngô; lúa gạo; bột mì; đậu tương; lạc, vừng; nhựa cây, nhựa dầu; nguyên liệu thực vật dùng để tết bện như: tre, mây, liễu gai, sậy, cây bấc; muối ăn; cát, cát thạch anh, xi măng; than đá, than non, than bùn, than cốc; urê; cao su tự nhiên, nhựa tự nhiên; cặp, túi đeo vai cho học sinh; gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; quần áo may sẵn và phụ kiện may mặc cho trẻ em; giày dép; các loại đá lát, gạch; mai, xẻng, cuốc, rìu, kéo; thìa, dĩa, muôi, dao; ắc quy điện; thiết bị điện, đèn điện, dây, cáp diện; bút bi; bút viết, bút chì, bút màu, phấn vẽ…
Các mặt hàng ngoài danh mục quy định tại Thông tư này không được nhập khẩu vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, trừ trường hợp cần thúc đẩy sản xuất hoặc cung ứng hàng hóa thiết yếu đối với đời sống hàng ngày của cư dân biên giới hoặc do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương sau khi trao đổi với Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Trung ương ban hành quyết định cho phép cư dân biên giới được mua bán, trao đổi một số mặt hàng ngoài danh mục quy định trên từng địa bàn với thời gian cụ thể.
Trường hợp cần đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa dịch bệnh qua biên giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương sau khi trao đổi với Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương ban hành quyết định tạm ngừng nhập khẩu một số mặt hàng trong danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới trên từng địa bàn cụ thể.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2016, bãi bỏ Thông tư số 42/2012/TT-BCT.Minh Hoàng