In bài viết

Dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những chuyển biến rõ nét.

12/12/2022 12:32
Dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Cô và trò trường mầm non thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Trường tiểu học Đồn Đạc là ngôi trường thuộc xã Đồn Đạc - vùng núi, khó khăn của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Trường có trên 80% học sinh là dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là Dao Thanh Phán. 5 điểm trường nằm cách xa nhau, rải rác trên địa bàn 8 thôn của xã Đồn Đạc, có điểm lẻ cách điểm chính tới 20 km.

Có dịp đến thăm trường, chúng tôi thật sự phấn khởi. Trường có cơ sở khá khang trang, có đầy đủ chỗ ăn ở, sinh hoạt cho các em học sinh DTTS…

Cô Hoàng Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các bậc cha mẹ học sinh đa số đều sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, hoàn cảnh gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo. 

Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp các ngành, những chính sách giáo dục vùng DTTS và miền núi đã giúp các em học sinh DTTS có điều kiện được học tập tốt hơn. Nếu không có những chính sách này, nhiều gia đình DTTS nghèo, ở vùng xa sẽ khó có thể cho con em mình theo học.

Tại Quảng Bình, em Đinh Lâm Hùng, dân tộc Chứt, sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 chị em tại thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, một huyện miền núi nghèo khó ở phía Tây tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, mỗi năm phải trải qua nhiều thiên tai, hạn hán, mất mùa. Bố mẹ em đều là những người nông dân đã phải rất vất vả, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai để nuôi 5 chị em ăn học. Càng khó khăn, em càng quyết tâm học tập với niềm tin học vấn là con đường duy nhất để thay đổi cuộc sống của chính mình và gia đình. Hiện em Hùng là sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Là một học sinh người DTTS khó khăn đặc thù, có phần hơi rụt rè và nhút nhát, bước đầu em đã gặp không ít khó khăn với việc hòa nhập với các bạn học sinh cùng trang lứa. Tuy nhiên, trong qua trình học tập tại các cấp học ở địa phương, đặc biệt là tại Trường THCS và THPT Hóa Tiến (Minh Hóa, Quảng Bình) nhờ sự quan tâm, chăm lo của các thầy cô giáo, của nhà trường, em đã ngày càng trưởng thành hơn, hiểu rõ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cho học sinh DTTS, để em có môi trường học tập tốt, rèn luyện tốt.

Dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh trao tặng quà, ân cần thăm hỏi, động viên các học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu - Ảnh: VGP

Từng bước khẳng định chất lượng giáo dục vùng dân tộc

Theo Ủy ban Dân tộc, trong thời gian qua, lĩnh vực giáo dục dân tộc đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Mạng lưới, quy mô trường lớp các cấp học từ mầm non đến phổ thông ở vùng DTTS, miền núi được củng cố, phát triển. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được đầu tư ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục.

Đến nay, đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được quan tâm đầu tư đã góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương.

Cùng với đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS miền núi ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Hiện nay, toàn quốc có 1.149 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố, với quy mô 252.671 học sinh bán trú. Bên cạnh đó, còn có 2.176 trường phổ thông có học sinh bán trú ở 29 tỉnh/thành phố với quy mô 213.199 học sinh bán trú.

Từ khi có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được nâng lên rõ rệt, nhất là vấn đề tiếp cận công bằng trong giáo dục và chất lượng giáo dục đại trà.

Hằng năm, tỉ lệ học sinh tiểu học được đánh giá hoàn thành về học tập, năng lực và phẩm chất đều đạt trên 90%; tỉ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 95%. 100% học sinh tốt nghiệp THCS; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại các trường phổ thông dân tộc bán trú vào lớp 10 trong các trường THPT và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên khoảng 70%, số còn lại theo học nghề và tham gia vào thị trường lao động.

Đối với loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú, toàn quốc có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô 102.757 học sinh. Tính trung bình, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú có tỉ lệ học lực giỏi, khá là trên 60%; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của các trường phổ thông dân tộc nội trú hàng năm trên 97%.

Trong số 6.000 học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp THPT hàng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng; 13% vào cử tuyển hoặc vào trường dự bị đại học; khoảng 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất.

Đối với các trường chuyên biệt, ngày 26/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 1127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển các trường: Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương, Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn, Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang, Dự bị Đại học TPHCM và Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có chủ trương đầu tư, phát triển cho giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS, miền núi được quy định tại Tiểu dự án 1 của Dự án 5 "Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Việc chuyển các trường chuyên biệt về trực thuộc Ủy ban Dân tộc và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoan I từ năm 2021-2025 mở ra một cơ hội phát triển mới cho loại hình đào tạo này, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, miền núi.

Với những chính sách đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục dân tộc, hàng năm, thành tích của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu của cả nước tăng hơn các năm trước cả về số lượng và chất lượng. Điều này khẳng định, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã và đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, trong thời gian, vùng DTTS và miền núi đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua bằng nhiều chính sách cụ thể, phù hợp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, từ nay đến năm 2030, vùng DTTS đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia riêng để người dân phát huy ý thức tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng thế mạnh, bản sắc của vùng DTTS để góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Trong đó có bố trí riêng một dự án đầu tư phát triển giáo dục- đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao hơn nữa để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là chính sách về phát triển giáo dục – đào tạo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bởi đây là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng DTTS và miền núi.

Hoàng Giang