In bài viết

Đánh thức tiềm năng sử dụng đất, nước mặt ven biển

Với hơn 3.000 km bờ biển và tiềm năng thiên nhiên vốn có cùng những chính sách đầu tư đang được đẩy mạnh, đất và nước mặt các thủy vực ven biển, tiềm năng nước dưới đất vùng ven biển, hải đảo rất cần được điều tra, đánh giá, quy hoạch để vùng đất này trở thành những điểm đến hấp dẫn của du khách và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ven biển.

22/03/2011 14:17

Cồn Vành - khu sinh thái hấp dẫn

Cồn Vành (Tiền Hải - Thái Bình) là bãi sa bồi rộng gần 2.000ha với địa hình tương đối bằng phẳng, thuộc khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, nằm trong hệ thống liên hoàn các khu rừng ngập mặn ven biển trải dài từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ở đây có rất nhiều loại thực vật phong phú như sú, vẹt, bần, thông và trên 200 loài hải sản có giá trị và nhiều loại chim quý hiếm.

Ông Nguyễn Quang Dương - Trưởng Ban quản lý khu du lịch sinh thái Cồn Vành cho biết: rừng ngập mặn là yếu tố rất thuận lợi của du lịch Cồn Vành để thu hút khách thăm quan du lịch nghỉ dưỡng. Bởi thế khu du lịch Cồn Vành đã được xác định trong quy hoạch du lịch biển Thái Bình giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2020 với sản phẩm chủ yếu là nghỉ dưỡng và tắm biển, thể thao (đua canô, môtô nước, du thuyền, golf), vui chơi giải trí, tổ chức hội thảo, hội nghị, những sự kiện văn hóa, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái biển, du lịch văn hóa tổng hợp…

Quả là dọc bờ biển Móng Cái tới Thừa Thiên Huế không có rừng ngập mặn như ở Tiền Hải - Thái Bình. Đó là một thuận lợi lớn để phát triển loại hình du lịch khám phá, nghiên cứu hệ sinh thái biển, rừng ngập mặn. Tuy nhiên nhìn rộng cả nước, số lượng những khu du lịch sinh thái hấp dẫn như Cồn Vành hay diện tích đất và nước mặt ven biển ở nước ta nói chung còn là tiềm năng lớn cần được đánh thức khai thác, sử dụng bền vững.

Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, nước mặt các thủy vực ven biển cả nước

Điều tra đánh giá quy hoạch sử dụng đất vùng ven biển và các hải đảo; Điều tra, đánh giá sử dụng nước mặt tại các thủy vực ven biển; Điều tra đánh giá tiềm năng nước dưới đất vùng ven biển và các hải đảo là 3 hợp phần thuộc Dự án "Điều tra, đánh giá quy hoạch sử dụng đất, nước mặt tại các thủy vực ven biển, tiểm năng nước dưới đất vùng ven biển và hải đảo" đến nay đều đã hoàn thành.

Theo Giám đốc Trung tâm Điều tra, đánh giá tài nguyên đất (Tổng cục Quản lý đất đai) Trịnh Văn Toàn, ba hợp phần trên do 4 đơn vị thuộc Bộ TN&MT thực hiện gồm Trung tâm Điều tra, đánh giá tài nguyên đất, Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước.

Hàng loạt sản phẩm do các đơn vị thực hiện là cơ sở dữ liệu, hệ thống tư liệu, tài liệu, bản đồ phục vụ cho việc đánh giá tổng hợp chất lượng, tiềm năng về tài nguyên đất vùng ven biển và hải đảo. Đó là bản đồ chất lượng đất tỷ lệ 1/250.000 của 5 vùng, 5 bộ tài liệu hệ thống tư liệu, tài liệu bản đồ phục vụ việc xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho 5 vùng ven biển là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long; 5 bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 vùng ven biển và các hải đảo; 4 báo cáo chuyên đề đánh giá nguy cơ gây suy thoái chất lượng và môi trường đất vùng ven biển và các hải đảo.

Cần nhấn mạnh rằng, còn có các tài liệu liên quan đến tài nguyên nước thu thập tại 30 Sở TN&MT và 138 Phòng TN&MT các huyện ven biển với những điều tra, khảo sát khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt vùng ven biển. Các tài liệu báo cáo điều tra đo vẽ và các công trình nghiên cứu nước dưới đất trên các vùng ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau… Công tác phân tích và xử lý ảnh viễn thám được làm đồng bộ, bước đầu xác định sơ bộ được diện phân bố, ranh giới, dạng tồn tại và khả năng chứa nước.

Thanh Như