![]() |
Ảnh minh họa |
Đối tượng tuyển sinh trình độ đại học gồm học sinh đoạt giải Olympic quốc tế; Học sinh có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật, Thể dục - Thể thao.
Tuyển sinh trình độ thạc sĩ gồm giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, các bộ, ngành và cơ quan nhà nước.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2013 đến năm 2020. Trong đó, thời gian tuyển mới các đối tượng đi học từ năm 2015 đến năm 2017.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có 2 phương thức đào tạo: Đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài; Đào tạo theo phương thức phối hợp gồm một phần thời gian đào tạo ở trong nước và một phần thời gian đào tạo ở nước ngoài.
Đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài
Điều kiện dự tuyển là ứng viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khỏe, đăng ký ngành học tại nước ngoài theo đúng ngành học đã đoạt giải thưởng quốc tế (đối với người đi học đại học), ngành học đã tốt nghiệp đại học hoặc phải phù hợp với nhu cầu công tác của cơ quan, địa phương cử đi học (đối với người học thạc sĩ); có trình độ ngoại ngữ theo quy định; cam kết hoàn thành nghĩa vụ học tập và về nước phục vụ sau khi tốt nghiệp theo quy định…
Thời gian đào tạo đối với trình độ đại học, theo yêu cầu của chương trình đào tạo ở nước ngoài nhưng không quá 4 năm; đối với trình độ thạc sĩ, thời gian không vượt quá 2 năm.
Về ngành học, đối với trình độ đại học, ứng viên trúng tuyển sẽ được gửi đi học các nhóm ngành học sinh đã đoạt giải Olympic quốc tế, đoạt giải quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Đối với trình độ thạc sĩ, ưu tiên tuyển sinh và đào tạo theo ngành, nhóm ngành. Các ngành lựa chọn gửi đi đào tạo ở nước ngoài là các ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo… bao gồm: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy và tự động hóa, công nghệ môi trường…
Về nước cử đi học, sẽ ưu tiên gửi đi đào tạo tại Anh, Ca-na-đa, Đức, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc… và một số nước khác có thế mạnh về từng lĩnh vực đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của lưu học sinh. Theo đó, lưu học sinh phải hoàn thành chương trình đào tạo đã đăng ký và quay trở về Việt Nam, tự trả các chi phí đào tạo nếu các chi phí này vượt quá mức trần quy định của nhà nước hoặc kéo dài thời gian đào tạo so với quyết định cử đi học. Bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo nếu không hoàn thành chương trình đào tạo, không chấp hành hoặc chưa chấp hành đầy đủ thời gian làm việc được quy định theo sự phân công của cơ quan cử đi đào tạo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành từ 24/4/2015.
Khánh Linh