Sáng 22/8, Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Vũng Tàu khai mạc chương trình đào tạo các quy định và thực tiễn ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại cho hơn 60 học viên đại diện cho các doanh nghiệp và sinh viên của một số trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Đỗ Thị Sa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và cảnh báo, Cục Phòng vệ thương mại, cùng với xu hướng tự do hóa, trong những năm gần đây, xu thế bảo hộ thương mại cũng diễn biến khó lường, theo nhiều cách thức, mức độ khác nhau. Không chỉ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, nhiều thành viên WTO khác gia tăng bảo hộ bằng cách tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật, phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực gia tăng của hàng nhập khẩu.
Thời gian qua, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 6/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 231 vụ kiện phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với VCCI Chi nhánh Vũng Tàu tổ chức chương trình đào tạo với mục tiêu giúp các doanh nghiệp hiểu biết sâu sắc hơn về các biện pháp phòng vệ thương mại, áp dụng một cách phù hợp và ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại hiệu quả.
Tham gia chương trình, các học viên được các giảng viên đang công tác tại Cục Phòng vệ thương mại phổ biến một số nội dung như: tổng quan về các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập; tình hình điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và một số biện pháp ứng phó; quy định pháp luật và thực tiễn trong điều tra, tính toán thuế chống bán phá giá và lưu ý cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Ngọc Tấn