![]() |
Các mô hình đào tạo đã mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề. |
Mô hình đào tạo nghề, tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương chủ yếu được thực hiện ở những vùng có khả năng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, học viên cũng là lao động tại các vùng quy hoạch trồng nguyên liệu.
Với mô hình này, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã cùng với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình tổ chức đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây tăm hương cho 70 lao động tại xã Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), đào tạo nghề trồng cây nguyên liệu và làm chổi chít cho 70 lao động tại xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Hiện số lao động này đã hoàn thành xong khóa học và được công ty tạo việc làm, thu mua sản phẩm với thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, mô hình đào tạo nghề, tổ chức việc làm để duy trì và phát triển các làng nghề là mô hình được áp dụng cho các làng nghề truyền thống. Đến nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phối hợp với 18 trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp làng nghề tổ chức đào tạo nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 300 lao động tại các làng nghề như: Sơn mài Hạ Thái (Hà Nội), chạm khắc, mộc mỹ nghệ Hòa Quang Nam (Phú Yên), mộc mỹ nghệ La Xuyên (Nam Định)...
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) đào tạo nghề đúc đồng, gò thúc tranh đồng, chạm khảm tam khí cho 21 học viên đến từ huyện Giao Thủy (Nam Định), huyện Định Quán (Đồng Nai), quận Long Biên (Hà Nội). Tham gia khóa học, các học viên không chỉ được học lý thuyết với giáo trình khoa học mà còn được thợ giỏi và các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn thực hành.
Hiệu quả rõ
Sau 4 năm kiên trì đào tạo, 400 lao động của Du Tràng (xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) và hàng trăm lao động ở các địa phương lân cận đã được đào tạo nghề. Sản phẩm của làng nghề mây tre đan này đã đa dạng hơn rất nhiều, những mẫu giỏ, lẵng, khay, đĩa lót… của làng nghề được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và được HTX Toàn Phong xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy giá trị xuất khẩu chưa nhiều (năm 2010 đạt gần 500 triệu đồng), nhưng đã tạo hướng phát triển mới cho làng nghề.
Nếu như trước kia, phần lớn thu nhập của người dân trông chờ vào hai vụ lúa, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì nay với thu nhập từ nghề khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của người dân Du Tràng đã cải thiện hơn rất nhiều, lao động được tận dụng và lượng người phải ly hương đi làm ăn xa giảm hẳn. Với 20 lao động khuyết tật được dạy nghề và bố trí làm việc ngay tại HTX, qua đó giúp họ nuôi sống bản thân và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Có thể thấy các mô hình thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thực hiện đã thu được những hiệu quả rất tích cực. Hơn 90% số lao động được đào tạo đã có việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng, triển vọng hình thành được các làng nghề mới là rất khả quan.
Đặc biệt, với mô hình đào tạo nghề gắn với phát triển vùng nguyên liệu, không chỉ người dân có việc làm có thu nhập ổn định, nghề tiểu thủ công nghiệp được nhân rộng mà doanh nghiệp còn xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu qua đó chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, nhất là trong tình trạng nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày một suy kiệt như hiện nay.
Vũ Trọng