In bài viết

Đặt con người làm trung tâm trong thiết kế chính sách

(Chinhphu.vn) - Các nhà nghiên cứu cho rằng cần đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, trong thiết kế các chính sách, cũng như phát huy vai trò của gia đình đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

24/09/2024 14:22
Đặt con người làm trung tâm trong thiết kế chính sách- Ảnh 1.

PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Kỷ niệm 25 năm thành lập (1999-2024) và Hội thảo khoa học thường niên lần thứ 2 về nghiên cứu con người với chủ đề "Nâng cao chất lượng cuộc sống vì mục tiêu phát triển con người".

PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu hoàn thành trước thời hạn.

Làm thế nào để chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn luôn là mong muốn, mục tiêu phấn đấu và nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước và của tất các chủ thể.

PGS. TS Nguyễn Đức Minh cho rằng, chất lượng cuộc sống và phát triển con người có mối quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau. Một quốc gia chỉ có thể đạt được sự phát triển bền vững khi chất lượng cuộc sống của người dân được bảo đảm.

Đồng thời đề nghị Viện Nghiên cứu Con người tiếp tục tiên phong làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đang đặt ra cho khoa học về con người và phát triển con người; cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu, tư vấn chính sách nhiều hơn nữa, chất lượng cao hơn nữa; mở rộng các mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế nghiên cứu về con người.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện và Việt Nam đã được vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới.

Việt Nam đã được xếp vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt 3 năm gần đây, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là quốc gia có chỉ số hạnh phúc được xếp hạng cao, đứng thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng trên thế giới.

Những con số trên đã phần nào phản ánh thành tựu về cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nói riêng và sự thành công của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. 

Mặc dù vậy, thực tế đang có nhiều vấn đề đặt ra đối với chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Một số phương diện cuộc sống của người dân như: An ninh kinh tế, sức khỏe và môi trường sống an toàn, sự tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm… đang đối mặt với nhiều thách thức. Vẫn còn khoảng cách lớn về chất lượng cuộc sống giữa các nhóm cư dân, do đó không phải mọi tầng lớp người dân đều được thụ hưởng một cuộc sống có chất lượng. 

Điều đó đặt ra vấn đề cần xây dựng và thực hiện các chính sách lấy con người làm trung tâm để góp phần đảm bảo một cuộc sống có chất lượng cho mọi tầng lớp, cộng đồng xã hội hướng tới sự phát triển toàn diện cho mỗi con người.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung trao đổi về những vấn đề chung về chất lượng cuộc sống và phát triển con người; những vấn đề đặt ra đối với chất lượng cuộc sống vì sự phát triển con người trên nhiều chiều cạnh; đồng thời thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống vì mục tiêu phát triển con người.

TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người cho biết, ttừ số liệu Khảo sát Giá trị thế giới, có thể thấy rằng người dân Việt Nam hiện nay có những đánh giá khá tích cực về các phương diện chất lượng cuộc sống của mình. Đây là những tín hiệu tốt và là những minh chứng cho sự phát triển con người của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự cải thiện chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam (đo lường qua thu nhập, giáo dục và tuổi thọ) phần nào thể hiện rõ hơn chất lượng cuộc sống.

Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có Chỉ số Phát triển con người cao trên thế giới vào năm 2022. Chỉ số phát triển con người năm 2022 của Việt Nam tăng lên là 0,726, xếp hạng 107 trên thế giới (UNDP, 2024). Trong đó, chỉ số tuổi thọ là chỉ số có giá trị cao nhất trong các chỉ số thành phần của HDI của Việt Nam.

Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống của nhóm thu nhập thấp vẫn còn nhiều điều đáng quan ngại. Sự hài lòng với cuộc sống của nhóm thu nhập thấp cũng ít hơn so với những nhóm khác. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các chính sách xã hội cần có những biện pháp hỗ trợ phù hợp nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho các nhóm có thu nhập thấp, góp phần tăng cường tính công bằng trong các chiều cạnh của sự phát triển con người.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng dân số Việt Nam xuất hiện nhiều xu hướng chưa từng có tác động mạnh mẽ theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực đến chất lượng cuộc sống ở nước ta như: Mức sinh thấp, tuổi kết hôn ngày càng tăng, dân số đang già hóa nhanh, quy mô gia đình Việt Nam nhỏ dần…

Do đó, cần luật hóa việc tính toán đầy đủ những xu hướng đó, đánh giá tác động của dân số vào chính sách, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.

Đặt con người làm trung tâm trong thiết kế chính sách- Ảnh 2.

Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng cuộc sống vì mục tiêu phát triển con người". Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Cần những chính sách hướng trọng tâm vào gia đình

Nhấn mạnh vào khía cạnh đời sống gia đình, GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội xã học Việt Nam cho rằng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đang gặp nhiều thách thức cả về cấu trúc và quan hệ gia đình. 

Một bộ phận người dân lựa chọn cuộc sống không hôn nhân, tỉ lệ ly hôn và ly thân ngày càng tăng lên, mức sinh giảm và mất cân bằng giới tính khi sinh. Bất bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng còn tồn tại, đời sống tình cảm của một bộ phận không nhỏ các cặp vợ chồng di cư gặp khó khăn. 

Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em trong gia đình gặp nhiều khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. Gia đình là thiết chế chủ yếu chăm sóc người cao tuổi nhưng hiện tại đang đối mặt nhiều trở ngại…

Những thách thức này có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống người dân và việc giải quyết những vấn đề này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Minh, gia đình và những chiều cạnh trong đời sống gia đình cần được quan tâm hơn bằng các chính sách ở tầm vĩ mô và những biện pháp cụ thể. Cần có những chính sách kinh tế-xã hội hướng trọng tâm vào gia đình, giúp gia đình vượt qua những thách thức nhằm xây dựng cấu trúc gia đình hợp lý và mối quan hệ gia đình gắn kết.

Hoàng Giang