Một ngày biển hiền hòa trong hải trình 10 ngày, trên boong tàu HQ 957, thuyền trưởng, trung tá Phạm Văn Hưng giản dị trong bộ thường phục, giọng trầm ấm, vui vẻ đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đi biển đầy sóng gió của mình và đồng đội.
1."Ấy là đầu năm 2009, tàu nhận được lệnh cứu hộ một pông tông (thiết bị nổi giống xà lan) của Công ty Hoàng Anh Gia Lai mắc cạn ở khu vực DK1. 9000 mét khối gỗ trên pông tông đã được chở về đất liền chỉ còn 17 người với "con thuyền" mong manh trên biển. Gió đông bắc ào ào, sóng cấp 6, cấp 7, từng đợt sóng bạc đầu đổ tràn qua mặt boong, có khi phủ lên cả nóc đài chỉ huy", thuyền trưởng Phạm Văn Hưng mở đầu câu chuyện.
Nhịp độ nhanh hơn, anh kể, sau nhiều giờ, tàu mới buộc được dây kéo nhưng đến 11g đêm thì ào ạt sóng đánh vào, pông tông bỗng gãy làm đôi. 17 thủy thủ đã kịp nhảy lên nửa phía mũi vẫn nối dây với HQ 957 rồi một tiếng kêu rất lớn trong màn đêm: "Các anh cắt dây đi, không cả hai cùng chìm". Cực chẳng đã phải cắt dây nối. Với sức sóng này, cái pông tông gãy đôi kia chỉ như một chiếc lá. Cần nhất lúc này là phải bình tĩnh, làm sai là mất cả chục con người.
Vị thuyền trưởng suy nghĩ trong giây lát rồi lệnh các thủy thủy buộc dây phao, dõng dạc nói trong bộ đàm liên lạc với pông tông: "Chúng tôi sẽ thả dây phao rồi tàu đón phía dưới. Các anh mặc ao phao cẩn thận, cho một người biết bơi nhảy xuống trước túm lấy dây phao của tàu, túm được vào dây là cứu được".
Đoạn dây phao dài hàng trăm mét, cứ 10 mét lại buộc một phao tròn được thả xuống biển. Hồi hộp chờ đợi. Một người đã nhảy xuống biển, đã túm được phao. Vậy là có cơ may cứu được rồi. Thủy thủ trên tàu HQ 957 hô hào kéo dây phao. Lần lượt 1, 2, 3... 14, 15 người đã lên tàu trong tiếng hò reo. Còn 2 người nữa. Không thấy nổi chút nào trên mặt biển. "Thủ trưởng ơi, dây vẫn nặng lắm", một thủy thủ gào lên đầy hy vọng. Tiếp tục kéo. Thì ra vẫn còn hai người đang dìu nhau bám dây phao. Thủy thủ trên tàu nhảy xuống, đưa lên đủ người và két sắt tài liệu tư trang.
"Chúng tôi ôm nhau sung sướng trong giá lạnh, trong mệt mỏi mà lòng ấm áp vô cùng".
2.HQ 957 ngoài nhiệm vụ cứu hộ, tuần tra trên biển thì mỗi năm tàu thường chở đoàn nhân dân, cán bộ từ đất liền ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Các đoàn thường khởi hành vào tháng 4, tháng 5 sóng yên biển lặng nhất trong năm song không phải không có gió mùa đông bắc hay áp thấp nhiệt đới. Nhiều người ra tới đảo mà chỉ được đứng nhìn từ xa. "Gặp những chuyến như vậy, chúng tôi áy náy vô cùng bởi cả người đất liền và đảo đều mong gặp nhau mà cách trở chỉ vì sóng gió", thuyền trưởng Hưng nói.
Chuyến đi đầu tiên năm nay của HQ 957 đầy sóng gió như thế. Đi được một ngày thì áp thấp nhiệt đới hoành hành khu vực biển Trường Sa. Đoàn khách say sóng nằm mệt lử trong phòng. Boong tàu và các hành lang vắng lặng chỉ có vài anh em thủy thủ đi lại. Cơm canh bữa nào cũng ế. Vậy mà nghe tin đến Trường Sa Lớn, cả đoàn nhao lên boong chờ đón.
Thế nhưng sóng chẳng chiều lòng người, cứ ào ào đập vào mạn tàu, đánh tung bọt trắng xóa lên cầu cảng trên đảo. Những chiếc đệm va buộc vào mạn tàu để "chống sốc" đã bị đánh bẹp dí. Thuyền trưởng thông báo toàn tàu: Mọi người trong đoàn sẵn sàng, có lệnh phải lên bờ ngay. "Tôi quyết định không cập cảng hết cả thân tàu mà chỉ ghé một phần tàu vào cầu cảng để tránh va đập, rồi chuẩn bị cầu thang đưa đoàn nhanh chóng vào đảo. Cũng hơi liều nhưng xem ra còn an toàn hơn thả xuồng đưa đại diện đoàn lên".
Hơn trăm người đã lên đảo an toàn. Thủy thủ đoàn thở phào nhẹ nhõm. Một anh lính đảo hân hoan khoe: Hai đoàn trước anh, sóng quá nên thả xuồng vào, chỉ được hai chục người vào thăm. Đoàn này đông vui quá anh ạ. "Chúng tôi nhìn nhau vui lây với niềm vui người lính trẻ".
"Còn chuyến phái đoàn mà tôi nhớ nhất phải kể đến chuyến đưa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh". Năm 2009, bão sớm, về đến đảo An Bang, Thuyền Chài thì có tin bão số 1 đổ bổ, phải ngược về phía Malaysia chạy bão. Chuyến ấy chẳng ai đặt chân lên được nhà giàn dù tàu neo ngay đó. Nhìn thấy nhà giàn trước mắt mà chỉ có thể nói chuyện qua bộ đàm. Trở về sau chuyến ấy, báo Tuổi trẻ đã khởi động Chương trình Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1 và xem còn tàu HQ 957 như một sự khởi nguồn.
"Không phải lúc nào vùng biển nước ta cũng bình yên. Thắp sáng nhà giàn chính là thắp sáng ý thức chủ quyền của Tổ quốc, giữ toàn vẹn bờ cõi cha ông để lại", trung tá Phạm Văn Hưng nói và nhìn ra phía biển xa xôi.
 | Giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 957 | |
3. Năm 2009 là một năm đặc biệt của tàu HQ 957, thiết lập một kỷ lục mới của hải quân, đó là họ đi liên tục 237 ngày trên biển với một chuyến chốt giữ chủ quyền, 2 chuyến chở phái đoàn, một chuyến cứu hộ kéo tàu mắc cạn ở đảo Nam Yết và một chuyến dài 126 ngày bảo vệ tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí khu vực thềm lục địa. Anh bảo, cứ đi liên miên thế, chỉ được về Vũng Tàu 24 giờ tiếp dầu, lương thực.
- Anh đi miết thế, chị nhà có trách giận không? - Mãi rồi cũng quen, anh cười. Có hôm chỉ được về 24 giờ, về đến sông Sài Gòn là có sóng điện thoại tôi gọi về bảo bà xã đón con rồi bắt tàu cánh ngầm tới Vũng Tàu, vợ chồng con cái gặp nhau một tối.
Vị thuyền trưởng giỏi luồng lạch, tường tận con nước ấy lại không phải sinh ra từ miền biển. Anh quê ở huyện đồng bằng Yên Khánh, Ninh Bình. Ước mơ đi biển của anh nung nấu từ khi bé. "Nhà tôi có ông chú rể, đi tàu vận tải biển. Mỗi lần về, ông ấy lại kể qua Nha Trang, Vũng Tàu..., thuyền đánh cá thắp đèn neon, biển sáng như một thành phố nổi... Rồi mình ham. Năm 1981 đi bộ đội là lính tăng song đến năm 1982 đổi sang học hải quân và rồi theo từ đó", anh kể.
Vùng biển của ta đang được thắp sáng lên bằng ý chí, bàn tay và khối óc của những con người kiên trung, dũng cảm. Những thành phố nổi trong ước mơ thơ bé của vị thuyền trước đang dần sáng lên giữa biển cả bao la.
Nhật Tân
Bài cuối: Người ở đừng về…