PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hội thảo do ĐHQG Hà Nội tổ chức thu hút 400 đại biểu, đại diện lãnh đạo của các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo một số tỉnh, thànhphố cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông nêu rõ, các tác phẩm kinh điển là sự ngưng tụ văn hóa, trí tuệ của nhân loại, nó có sức lan tỏa và tác động lớn tới con người, có khả năng định hướng con người tới các giá trị chân – thiện – mỹ, tồn tại bền vững xuyên không gian và thời gian. Kinh điển của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và điển tịch Tam giáo ở Việt Nam là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống Việt Nam”.
Tuy nhiên, “hiện chưa có bộ Phật tạng, Nho tạng hay Đạo tạng nào bằng tiếng Việt hiện đại. Vì vậy, cần có những bộ sách như vậy và tương lai cần nhiều bản dịch khác nhau từ các loại chữ viết khác nhau. Thời đại công nghiệp mới cần những cách làm mới, cần các bản sách dịch vừa có tính học thuật cao, vừa đại chúng hóa, có thể tra cứu thuận tiện, tiếp cận với bản dịch tốt ở mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện”.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đất nước ta, một đất nước có lịch sử nghìn năm văn hiến không thể không có những bộ sách lớn, có giá trị mang tính biểu tượng. Với ý nghĩa này, Chính phủ đã giao cho ĐHQG Hà Nội thực hiện 2 trong số 5 dự án thuộc chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia do Chính phủ chỉ đạo.
Năm dự án lớn, bao gồm: Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc Sử); Bách khoa Toàn thư Việt Nam; Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Dự án Dịch thuật và Phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông (hay còn gọi là Dự án Kinh điển phương Đông) và Hệ tri thức Việt số hóa. Cả 5 chương trình, dự án này đều có sự tham gia tích cực và cơ bản của đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội. Trong đó, ĐHQG Hà Nội chủ trì 2 dự án lớn là Địa chí Quốc gia Việt Nam và Dự án Kinh điển Phương Đông.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, dự án Kinh điển phương Đông có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp mới.
Chia sẻ quan điểm này, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc triển khai Dự án Kinh điển phương Đông là cơ duyên lớn trong việc dịch thuật các tác phẩm Tam giáo. Nhiệm vụ này cần sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, tăng ni phật tử… trong và ngoài nước.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN chỉ ra yếu tố liên kết văn hóa trong nhân dân là tôn giáo. Ông nhấn mạnh: “Vai trò của tôn giáo ngày càng lớn và cần cơ sở khoa học làm bệ đỡ cho sự phát triển của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ giao ĐHQGHN thực hiện nhiệm vụ này là phù hợp. Sản phẩm của dự án nếu được khai thác một cách hiệu quả sẽ phát huy các giá trị cao đẹp của triết lý Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”.
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng Pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dự án vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi văn hóa giúp nhân lên tiềm năng sáng tạo của con người, do đó cần tạo ra các giá trị văn hóa mới trên cơ sở tiếp thu tinh hoa giá trị văn hóa đã có. Việc triển khai dự án có thể giúp tạo ra những giá trị văn hóa mới, đưa ra các phương pháp phát huy những giá trị tinh hoa trong xã hội hiện nay. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ hỗ trợ tích cực trong việc triển khai thực hiện dự án.
Được biết, với tầm vóc lớn lao của nhiệm vụ dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông, ĐHQG Hà Nội đã giao cho Viện Trần Nhân Tông, một viện nghiên cứu mang tính học thuật cao và là đơn vị thành viên của ĐHQG Hà Nội do Thủ tướng ký quyết định thành lập, để triển khai dự án.
Viện Trần Nhân Tông là một tổ chức khoa học và đào tạo đặc thù, có khả năng quy tụ đội ngũ các chuyên gia trong nước và nước ngoài đáp ứng yêu cầu của Dự án. Thời gian qua, Viện đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế uy tín như Hội thảo “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”, Hội thảo “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”. Hiện nay, Viện Trần Nhân Tông đã và đang triển khai lớp Bồi dưỡng năng lực dịch thuật các tác phẩm kinh điển phương Đông, qua đó chuẩn bị lực lượng hỗ trợ và kế tục triển khai dự án.
Dự kiến tham gia triển khai dự án còn có các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Triết học… thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị khoa học khác trong và ngoài nước; các nhà tu hành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dự án Kinh điển Phương Đông dự kiến sẽ được thực hiện trong 10 năm theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 3/2019-tháng 2/2024, giai đoạn 2 từ tháng 3/2024-tháng 2/2029.
Giai đoạn 1 là công tác chuẩn bị và tiến hành dịch thuật, trong đó, dự án sẽ thực hiện khảo sát, lên hồ sơ dịch thuật; chọn văn bản nền để tổ chức dịch thuật và tham chiếu; xây dựng bộ quy cách dịch thuật; tập huấn và chọn lọc nhân sự chính tham gia và tuyển chọn cộng tác viên; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dịch thuật và xây dựng cơ sở dữ liệu và thư viện tra cứu phục vụ dịch thuật. Sau đó, dự án tiến hành dịch thuật theo hai hướng toàn dịch và toát yếu.
Giai đoạn 2 là giai đoạn chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện và dịch thuật các bộ Kinh còn lại trong phần Chính tạng, điển tịch Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo được trước tác, chú giải tại Việt Nam.
Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông, bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, hai quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và 3 quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh, cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, đầu ra của dự án còn cung cấp các mô hình, giải pháp phát huy các giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông tới cộng đồng và đặc biệt là cơ sở dữ liệu số về bộ sản phẩm của dự án và cổng thông tin điện tử phục vụ tra cứu rộng rãi.
Được biết, dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hằng năm, dự án sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần trong dự án, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động.
Nhật Nam