In bài viết

Đặt thêm điều kiện kinh doanh: Tìm thuốc đặc trị

(Chinhphu.vn) – Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên BCH Hội Luật gia TP Hà Nội, quyền tự do kinh doanh hiện vẫn bị chi phối khá mạnh bởi thông tư của các bộ và các luật chuyên ngành.

08/08/2014 12:16

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ảnh Báo Pháp lý

Luật gia này đánh giá dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã thể hiện rõ hơn nhiều quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ không liệt kê ra những ngành nghề mà doanh nghiệp được quyền kinh doanh nữa, mà tuân thủ quy định của Hiến pháp là công dân được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Điểm đột phá thứ hai của dự thảo là các điều kiện kinh doanh sẽ chỉ được quy định tại luật, pháp lệnh và nghị định của Chính phủ. Theo ông Tiền, điều này là rất tích cực vì hiện nay nhiều thông tư cũng đặt ra điều kiện kinh doanh dưới nhiều hình thức, không chỉ thể hiện dưới hình thức một giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hay là một chứng chỉ hành nghề.

Với tư cách Chủ tịch HĐTV một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ kế toán, ông Tiền đưa ra một ví dụ sát sườn. Luật và nghị định đều quy định công ty thực hiện dịch vụ kế toán thì phải có 2 người có chứng chỉ hành nghề, trong đó có 1 người quản lý doanh nghiệp.

Thông tư 72/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính dù không quy định về điều kiện kinh doanh nhưng lại quy định điều kiện đăng ký hành nghề: Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải đăng ký hành nghề với Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, điều kiện để đăng ký hành nghề là phải có 2 người có chứng chỉ kế toán, trong đó có giám đốc doanh nghiệp. Trong khi đó, rõ ràng theo quy định của luật và nghị định thì người quản lý doanh nghiệp không nhất thiết phải là giám đốc mà có thể là phó giám đốc, thành viên HĐQT…

Hoan nghênh việc hạn chế thẩm quyền đặt ra điều kiện kinh doanh của các bộ, nhưng theo ông Tiền, nhiều ý kiến còn đề nghị phải quy định triệt để hơn nữa, dù quan điểm nay còn nhiều tranh cãi. Cụ thể, Luật phải quy định rõ điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong luật, pháp lệnh (không bao gồm nghị định).

Theo những người ủng hộ quan điểm này, bản chất việc quy định điều kiện kinh doanh cũng là hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân và thẩm quyền hạn chế quyền tự do kinh doanh phải là của Quốc hội.

Mặt khác, thông thường những vấn đề quy định trong Luật là tương đối ổn định, những gì thay đổi thường xuyên thì giao Chính phủ quy định và theo ông Tiền, điều kiện kinh doanh là vấn đề ít thay đổi mà ổn định tương đối dài và thường chỉ thay đổi theo thông lệ quốc tế.

Ông Tiền cũng ủng hộ một giải pháp quyết liệt hơn nữa được không ít ý kiến đề xuất. Đó là ghi luôn điều kiện kinh doanh vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp cứ căn cứ vào đó mà làm, còn “bất biết” những quy định do các bộ ngành đưa ra như thế nào.

Luật chuyên ngành còn chi phối rất mạnh

Dẫn lại nhận xét của chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường rằng “hệ thống pháp luật của Việt Nam là phức tạp nhất thế giới", luật gia Vũ Xuân Tiền cho rằng một vấn đề lớn có liên quan đến quyền tự do kinh doanh là mối quan hệ giữa Luật Doanh nghiệp với Luật chuyên ngành.

Hiện chúng ta để dư địa quá nhiều cho luật chuyên ngành, luật chuyên ngành chi phối rất mạnh tới Luật Doanh nghiệp. Luật hiện hành quy định trong trường hợp Luật chuyên ngành có quy định khác về thành lập và quản lý doanh nghiệp thì áp dụng Luật chuyên ngành. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thực hiện Luật này lại trái với Luật kia. Chẳng hạn, một công ty cổ phần có thể vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, lại vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán.

Giải pháp, theo ông Tiền, là áp dụng nhất quán nguyên tắc: Tất cả những gì có thể quy định trong Luật Doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp hãy quy định cho thật kỹ, thật chi tiết, còn cái gì đặc thù riêng, không thể quy định trong Luật Doanh nghiệp thì hãy để cho Luật chuyên ngành quy định, cái gì Luật Doanh nghiệp đã quy định rồi thì Luật chuyên ngành không quy định nữa.

Ví dụ, Luật Doanh nghiệp không quy định chung chung về công ty cổ phần mà chia làm 3 loại, gồm công ty cổ phần nội bộ, công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết và công ty cổ phần đại chúng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó, Luật Doanh nghiệp quy định kỹ cho 2 loại đầu, còn với loại cuối cùng thì quy định: Cơ cấu tổ chức và quản lý của công ty cổ phần đại chúng đã niêm yết thực hiện theo Luật Chứng khoán.

Chốt lại, ông Tiền cho rằng việc các Bộ ngành có đặt ra các điều kiện kinh doanh khi ban hành thông tư và khi soạn thảo các Luật để trình Quốc hội cũng là điều dễ hiểu, bởi họ là cơ quan quản lý, phải làm thế nào để thuận lợi nhất cho việc quản lý, điều đó không có gì xấu và là trách nhiệm của họ. Vấn đề là giải pháp nào để không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp và câu chuyện này liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng Luật Văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng.

Một điểm rất mới của dự thảo Luật có liên quan mật thiết đến vấn đề điều kiện kinh doanh là cho phép doanh nghiệp có hơn một người đại diện theo pháp luật. Điều này rất có ý nghĩa với trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong cả 2 lĩnh vực: Có và không có điều kiện kinh doanh. Theo đó, một người đại diện có thể quản lý chung, ký các hợp đồng không bị ràng buộc bởi điều kiện kinh doanh, người còn lại sẽ phụ trách các vấn đề có liên quan đến kinh doanh có điều kiện.

Luật gia Vũ Xuân Tiền 

Thành Đạt