In bài viết

Dấu ấn 10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Năm 2024 đánh dấu 10 năm ngành Hải quan phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, qua đó gắn các hoạt động đối tác vào hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, hàng ngày của đơn vị hải quan các cấp, góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy.

26/06/2024 09:42


Dấu ấn 10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp- Ảnh 1.

Cục Hải quan Quảng Ninh thành lập tổ “phản ứng nhanh” hoạt động với phương châm “Tận tụy nhất - Nhanh chóng nhất - Hài lòng nhất”, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp 24/7 (Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục HQCK cảng Hòn Gai).

Nhiều sáng kiến để phát triển quan hệ đối tác

Công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp luôn được ngành Hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp: Tổng cục, Cục và Chi cục. Tại cấp Tổng cục, hoạt động đối tác tập trung vào các vấn đề hoàn thiện, giải đáp chính sách, pháp luật, phương thức quản lý nhà nước về hải quan. Tại cấp Cục, hoạt động đối tác gắn với vấn đề tổ chức thực thi pháp luật. Tại cấp Chi cục, hoạt động đối tác gắn với các hoạt động thực tế, trực tiếp thường xuyên hàng ngày của đơn vị.

Nhằm cụ thể hoá chủ trương lớn của Ngành, nhiều năm qua, ở 35/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã căn cứ vào kế hoạch phát triển hàng năm của Tổng cục Hải quan để triển khai tại đơn vị một cách bài bản, khoa học. Ngoài triển khai các nội dung theo hướng dẫn của Tổng cục, nhiều cục hải quan địa phương đã vận dụng linh hoạt và có cách làm sáng tạo thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, thiết thực.

Tổ “phản ứng nhanh” tại Hải quan Quảng Ninh

Tại Cục Hải quan Quảng Ninh, để từng bước phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp, đơn vị đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo để giúp tiếng nói của doanh nghiệp đến gần hơn với cơ quan Hải quan. Đồng thời, nhận thức của cán bộ, công chức Hải quan thay đổi cơ bản, từ việc coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang coi doanh nghiệp là đối tác, hợp tác, từ đó có những hoạt động cụ thể, thiết thực trong hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đơn cử như Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức triển khai Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Chi cục (viết tắt là CDCI) nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh, chất lượng quản lý điều hành cấp cơ sở cũng như hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của các Chi cục, qua đó đã tạo một không khí thi đua sôi nổi giữa các chi cục trực thuộc trong hoạt động triển khai nhiệm vụ cũng như hoạt động hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với sáng kiến đảm bảo cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh nhất, hiệu quả nhất, năm 2017, Hải quan Quảng Ninh đã thành lập Tổ cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp (viết tắt là Tổ ISEC) do Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo. Tổ “phản ứng nhanh” hoạt đông với phương châm “Tận tụy nhất - Nhanh chóng nhất - Hài lòng nhất”, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp 24/7, chịu trách nhiệm đầu mối tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Hải quan Hải Phòng đánh giá chất lượng phục vụ của công chức hải quan để xử lý hành vi sách nhiễu, sai sót nghiệp vụ (nếu có)

Còn tại Cục Hải quan Hải Phòng, để thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, đơn vị đã có sáng kiến xây dựng và triển khai “Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức thuộc Cục Hải quan Hải Phòng trong quá trình giải quyết thủ tục” (gọi tắt là Hệ thống đánh giá) được triển khai từ năm 2020.

Hệ thống đánh giá nhằm ghi nhận, tổng hợp ý kiến đánh giá, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của công chức, đội công tác, chi cục hải quan có liên quan tại từng tờ khai, hồ sơ cụ thể để kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý mọi hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, chậm trễ, sai sót nghiệp vụ (nếu có); xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng bộ phận, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục.

Hải quan TP Hồ Chí Minh "Cà phê sáng cùng doanh nghiệp” 

Hay tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, để từng bước đưa hoạt động phát triển quan hệ đối tác đi vào cuộc sống, đơn vị đã triển khai sáng kiến “Giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục hải quan – Phòng chờ làm thủ tục hải quan tại ICD Phước Long 3” năm 2023. Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV đã bố trí phòng chờ cho khách tới làm thủ tục hải quan có trang bị bàn, ghế, nước uống, máy lạnh, màn hình hiển thị danh sách tờ khai, bảng niêm yết các thủ tục hành chính, có trang bị máy tính kết nối internet, kết nối với máy in. Theo đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các quy định của pháp luật hải quan, giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan thông qua các kênh thông tin là website chính thức của ngành Hải quan; góp phần tăng mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi đến làm thủ tục tại Chi cục.

Cũng tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan Khu công nghệ cao đã triển khai hình thức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp theo mô hình với tên gọi “Cà phê sáng cùng doanh nghiệp” bắt đầu từ tháng 9/2019 và đã được tổ chức định kỳ vào thứ Hai (tuần cuối cùng trong tháng) có sự tham gia của các đối tượng là Ban Giám đốc, Trưởng/Phó phòng kinh doanh xuất nhập khẩu, đại lý, dịch vụ khai hải quan.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình đối tác tin cậy

Mục tiêu về phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (theo Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ) là: “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”.

Đại diện Ban Cải cách hiện đại hoá Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian tới, để công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp đi vào hiệu quả, thực chất, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động.

Thứ nhất, luôn gắn các hoạt động đối tác Hải quan - Doanh nghiệp vào hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, hàng ngày của đơn vị, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy.

Thứ hai, luôn chủ động, đổi mới sáng tạo trong cách làm, cách thức tổ chức triển khai các hoạt động quan hệ đối tác phù hợp với tình hình, thực tế tại đơn vị. Làm mới các hoạt động đối thoại, hợp tác để thu hút cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng tham gia hợp tác cùng cơ quan Hải quan.

Thứ ba, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp trên địa bàn từ đó có các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ động phân tích, lựa chọn các vấn đề mang tính thời sự mà doanh nghiệp quan tâm để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.

Với những nỗ lực của cơ quan Hải quan trong thời gian qua sẽ đưa quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp ngày càng thực chất, hiệu quả, đồng hành cùng nhau phát triển kinh tế.