In bài viết

Dấu ấn Tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số quốc gia

(Chinhphu.vn) - Từ mô hình phát triển đơn lẻ tại địa phương, đến nay Tổ công nghệ số cộng đồng đã hình thành một mạng lưới rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác chuyển đổi số chung của quốc gia; là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cơ sở.

12/10/2024 11:28
Dấu ấn Tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số quốc gia- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lô Lô Chải tận dụng công nghệ số để làm du lịch thông minh

Trong chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 12/10, anh Sình Dỉ Gai, đồng bào Lô Lô, Trưởng thôn Lô Lô Chải, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã chia sẻ về đồng bào Lô Lô Chải đã tận dụng tốt công nghệ số để thúc đẩy du lịch thông minh.

Nằm cách cách Cột cờ Lũng Cú chỉ tầm 1km, làng Lô Lô Chải là nơi sinh sống với hơn 90% là bà con người dân tộc Lô Lô.Từ khi công tác chuyển đổi số được triển khai, anh Sình Dỉ Gai với cương vị là trưởng thôn thường xuyên cùng các đồng chí lãnh đạo trong thôn tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh homestay áp dụng công nghệ số để quảng bá và bán phòng.

Qua kết quả triển khai các nội dung hoạt động trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn thôn đã đạt được bước đầu khả quan, các hộ kinh doanh trên địa bàn thôn cài đặt và sử dụng dịch vụ VneID trong công tác khai báo khách lưu trú; đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh quảng bá, bán phòng qua các trang mạng xã hội như: Agoda, Booking, Facebook, Zalo… Từ đó thu hút được hơn 53. 000 khách du lịch đến tham quan.

Anh Sình Dỉ Gai cũng phối hợp cùng Công an xã tổ chức lớp tập huấn về ứng dụng định danh điện tử VNeID cho các hộ kinh doanh và Tổ Công nghệ số cộng đồng nắm và biết cách thực hiện; giúp chủ homestay theo dõi đặt phòng, doanh thu và tình trạng phòng; tuyên truyền hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức và hộ dân trên địa bàn thôn cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID của Bộ Công an nhằm hỗ trợ định danh điện tử cho công dân và có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, kết quả đã kích hoạt được 463 lượt.

Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết, định hướng thời gian tới của địa phương là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ứng dụng để khai thác hiệu quả công tác quảng bá du lịch trên các website du lịch, đẩy mạnh ứng dụng số phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Kết nối các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn trong tỉnh và ngoài tỉnh, liên kết website, chia sẻ thông tin, dữ liệu chung về du lịch để chung tay đẩy mạnh thương hiệu du lịch.

Tổ CNSCĐ thôn Lô Lô Chải tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về lợi ích của chuyển đổi số đến cộng đồng, doanh nghiệp và khách du lịch.

Qua đó, tăng cường kết nối, ứng dụng công nghệ số trong du lịch; phát triển, triển khai các ứng dụng số để cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh và thay đổi phương thức tương tác với khách du lịch trên môi trường số như: Xây dựng hệ thống Thẻ du lịch thông minh tích hợp đa dạng các thông tin, dịch vụ, tiện ích cho du khách; số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch, sự kiện văn hóa giải trí trên địa bàn sử dụng bản đồ số…

Dấu ấn Tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số quốc gia- Ảnh 2.

Anh Sình Dỉ Gai chia sẻ về đồng bào Lô Lô Chải đã tận dụng tốt công nghệ số để thúc đẩy du lịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng công nghệ

Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 4.300 Tổ Công nghệ số cộng đồng với trên 14.700 thành viên trên địa bàn

Ông Vũ Đình Kịp, cựu chiến binh, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4 phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ khi thành lập đến nay, Tổ CNSCĐ Khu phố 4, phường Lam Sơn đã giúp bà con nhân dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng công nghệ trong công việc, đời sống hằng ngày.

Các thành viên của Tổ đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà", triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động của chương trình chuyển đổi số.

Thị xã Bỉm Sơn là một trong 12 đơn vị được giao hoàn thành tiêu chí chuyển đổi số cấp huyện vào năm 2025. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ngành cấp tỉnh, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thị xã Bỉm Sơn phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2024 để chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, Tổ CNSCĐ khu phố 4 của cựu chiến binh Vũ Đình Kịp làm Tổ trưởng đã có nhiều hoạt động đóng góp vào kết quả này. Tổ đã tích cực hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số (như Cổng Thông tin điện tử Bỉm Sơn, Trang TTĐT xã phường, Trang phản hồi Thanh Hoá và tham gia các nhóm Zalo do Thị xã, phường và khu phố tạo lập, triển khai).

Tổ CNSCĐ khu phố 4 cũng phối hợp với các ngân hàng và các đơn vị liên quan thực hiện hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ và vừa ở địa phương cài đặt ứng dụng nền tảng số để chuyển hình thức tiêu thụ sản phẩm từ giao dịch truyền thống sang giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử.

Ngoài ra, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông, học phí…; ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, Sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội… Trong đó, cài định danh điện tử cá nhân đạt chỉ tiêu 100% dân số trưởng thành; cài chữ ký số cá nhân đạt 458/910 người, tương đương 50.3% dân số trưởng thành.

Cựu chiến binh Vũ Đình Kịp, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4 cho biết, ông luôn xác định công tác chuyển đổi số là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, do đó nhiệm vụ của Tổ CNSCĐ là liên tục học hỏi để kịp thời triển khai tới nhân dân để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; thực thi có hiệu quả chủ trương "Lấy người dân làm trung tâm" trong chuyển đổi số, để người dân thấy được giá trị và lợi ích của chuyển đổi số, từ đó chủ động tham gia, đồng hành với chuyển đổi số.

Dấu ấn Tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số quốc gia- Ảnh 3.

Cựu chiến binh Vũ Đình Kịp, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng khu phố 4, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giúp người dân tiếp cận với công nghệ số nhanh chóng và hiệu quả

Chị Trần Thị Thu Giàu, Phó Bí thư Đoàn thanh niên, thành viên Tổ CNSCĐ phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, năm 2022, tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án thí điểm thành lập Tổ CNSCĐ trên tất cả các huyện, thành phố. Trong đó, Tổ CNSCĐ phường 1, thành phố Sa Đéc có 6 thành viên do chị Thu Giàu làm tổ trưởng.

Với sự kiên trì và phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà", chị Thu Giàu cùng các thành viên trong Tổ CNSCĐ trực tiếp đến từng nhà, tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng lợi ích của Tinh Đồng Tháp như: Ứng dụng e-Đong Thap liên quan đến chính quyền điện từ; ứng dụng Y tế Đồng Tháp nhằm giúp người dân tiếp cận với dịch vụ Y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp dễ dàng; ứng dụng VNeID của Bộ công an nhằm sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống.

Sau nhiều thuận lợi mà Tổ Công nghệ số cộng đồng Khóm 1, Phường 1 mang lại, chị Thu Giàu tham mưu, đề xuất thành lập mô hình "Hỗ trợ trả kết quả xét hồ sơ khuyết tật và xét hưởng chế độ bảo trợ xã hội tại nhà" được triển khai nhân rộng trên địa bàn Phường.

Mô hình này được Tổ CNSCĐ phối hợp cùng công chức văn hóa xã hội đến nhà hướng dẫn người dân cách đăng ký tài khoản, gửi hồ sơ thông qua Cổng dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp. Mô hình đã hạn chế được người bệnh phải đi lại, đảm bảo ổn định sức khỏe, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho gia đình.

Bên cạnh đó, chị Thu Giàu tham mưu thành lập mô hình "Tuyến đường chuyển đổi số" tuyến đường Nguyễn Tất Thành có gắn 10 bảng mã QR Code hướng dẫn người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các nền tảng số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Khi người dân đã tiếp cận với công nghệ số một cách nhanh chóng và hiệu quả, chị Thu Giàu đã phối hợp cùng công chức văn hóa - xã hội tham mưu UBND phường xây dựng mô hình "Ứng dụng Trang Zalo OA" để cung cấp các tiện ích, tra cứu nhanh về các dịch vụ như: Dịch vụ công trực tuyến; thông tin xuất khẩu lao động, thông báo mới…

Với những kết quả mà Tổ CNSCĐ phường 1 đạt được, tại Hội nghị tổng kết đề án thí điểm thành lập tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022 đến năm 2023, chị Thu Giàu và Tổ CNSCĐ phường 1 vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp. UBND Phường 1, thành phố Sa Đéc cũng đã thành lập thêm 5 Tổ CNSCĐ với tổng số 48 thành viên, tiếp tục là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Gia Huy