In bài viết

Đấu giá biển số xe: Minh bạch, công khai, có mức giá khởi điểm chung

(Chinhphu.vn) - Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành thí điểm đấu giá biển số xe nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch, đấu giá trực tuyến và người trúng đấu giá có quyền chuyển nhượng cho người khác.

26/10/2022 14:39
Đấu giá biển số xe: Minh bạch, công khai, trực tuyến, mức giá khởi điểm chung - Ảnh 1.

Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị thảo luận tại tổ sáng 26/10 - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bảo đảm quyền lợi cho người đấu giá được biển số

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế phân tích: Khi đấu giá thì không nên phân mức giá khởi điểm khác nhau giữa các địa phương vì người đã đấu giá có mong muốn, sở thích và điều kiện kinh tế.

Thiết kế cơ chế, thủ tục, quy trình đấu giá mới dựa trên khoa học công nghệ và đấu giá qua mạng, khác hoàn toàn Luật Đấu giá tài sản, bởi các nước đã có những bước đi rất nhanh gọn, minh bạch như Singapore mở đấu giá biển số xe thông thường mở từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần để mọi người dân có quyền tham gia đấu giá và không biết ai bỏ giá cao hơn. Cuối ngày thứ Sáu khi Hội đồng đấu giá mở ra mới biết ai bỏ cao nhất và trúng đấu giá. Bên cạnh đó, khi người đấu giá biển số xe bỏ giá bao nhiêu thì đóng tiền trước bấy nhiêu, nếu không trúng thì sẽ được trả lại ngay.

Ông Phan Đức Hiếu cũng tán thành việc chưa mở thị trường thứ cấp trong việc trao đổi biển số xe sau khi trúng đấu giá bởi có thể năng lực các cơ quan chuyên môn chưa đáp ứng cũng như đây là nghị quyết thí điểm, sau khi tổng kết nghị quyết thì có thể xem xét mở ra thị trường này.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị làm rõ, biển số xe chỉ là tài sản công khi chưa đấu giá, đã đấu giá là tài sản cá nhân, sau khi bán rồi mà còn hạn chế khá nhiều quyền của người trúng đấu giá biển số xe sau khi đã bỏ ra một số tiền rất lớn để trúng đấu giá. Theo đó, việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho cần được thực hiện theo Bộ luật Dân sự để người dân có quyền định đoạt tài sản của mình thay vì quy định hiện tại là chuyển nhượng thì phải đi kèm với xe là chưa thỏa đáng.

Về mức giá khởi điểm thì không nên áp dụng sự khác nhau giữa các vùng miền và cần cao hơn bởi đây là "cuộc chơi" của người có sở thích và điều kiện kinh tế.

Tăng giá khởi điểm khi đấu giá biển số

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, không cần quy định mức giá khởi điểm bởi đây là việc đấu giá cho người có sở thích và điều kiện thì mức giá khởi điểm không cần thiết vì họ sẽ mua với giá cao để có được biển số mình thích.

Bên cạnh đó, cần tạo ra kho biển số xe thực sự đa dạng, phong phú để các tầng lớp nhân dân tham gia để đáp ứng mong muốn của người dân và tăng nguồn cho ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phải nâng cao hơn mức khởi điểm hiện nay như dự thảo là 20 triệuđồng và 40 triệu đòng để bảo đảm cho chi phí đấu giá.

Đây là hình thức lựa chọn để nhận biển số, khi có biển số thì quyền như nhau, chỉ tránh đầu cơ đối với người không có xe (phải có phương tiện đi kèm), biển số phải gắn với xe thì mới là tài sản. Hết thời hạn mà không đăng ký thì sẽ thu hồi để đấu giá tiếp.

Cần thiết kế điều luật theo hướng mở rộng, không nên bó hẹp. Do đó, có thể quy định người bán xe vẫn còn quyền giữ lại biển số và quyền của người có biển số ngẫu nhiên với quyền người đấu giá biển số là như nhau.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị luật cần thiết kế rõ quyền, nghĩa vụ  của người trúng đấu giá và chế tài không thực hiện nghĩa vụ.

Sau khi hết thời hạn thí điểm của nghị quyết (3 năm) thì cũng cần quy định rõ quyền của người dân co biển số xe đã trúng đấu giá.

Tờ trình của Chính phủ cho biết: Qua nghiên cứu quy định pháp luật tại một số nước như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Hàn Quốc… cho thấy một số nước thực hiện cấp biển số bằng hình thức cho người dân tự chọn trong danh sách các biển số theo sở thích đã được liệt kê và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar) hoặc tổ chức đấu giá (Thái Lan, Malaysia, Singapore). 

Việc quy định quản lý biển số sau đấu giá cũng không giống nhau: Singapore, Thái Lan cho phép biển số đấu giá được chuyển nhượng cho người khác hoặc đổi sang xe khác; Malaysia quy định biển số trúng đấu giá không được bán cho người khác nhưng được phép đổi sang xe khác. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cấp biển số là cơ quan tổ chức thực hiện đấu giá biển số thông qua hệ thống phần mềm quản lý biển số và bán đấu giá trên mạng internet...

Cụ thể ở Singapore: Tổ chức đấu giá mỗi tuần một lần, người tham gia đấu giá chọn trên trang Website biển số muốn đấu giá trong danh sách các biển số chưa cấp và nộp ngay số tiền đấu giá (tối thiểu 1.000 USD). Hết thời gian đấu giá, cơ quan Nhà nước sẽ quyết định người trúng đấu giá và thông báo cho người đó biết để đi đăng ký, không công bố số người tham gia, những người không trúng sẽ không được thông báo hoặc nhận lại số tiền đã nộp. Biển số trúng đấu giá được phép chuyển nhượng (cho tặng, mua bán) cho người khác hoặc đổi sang xe khác nhưng phải nộp phí từ 100 đến 1.000 USD.

Lê Sơn