In bài viết

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng chuyển nặng

(Chinhphu.vn) - Tay chân miệng (TCM) ở trẻ em là bệnh phổ biến và dễ lây lan. Tuy bệnh có khả năng tự khỏi sau 5-7 ngày, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, TCM có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

13/04/2021 10:43

BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV Nhi đồng Đồng Nai) thăm khám cho bệnh nhi bị TCM nặng. Ảnh: Báo Đồng Nai

Lọc máu liên tục cho bệnh nhi bị bệnh TCM nặng

Chiều 12/4, BS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, khoa đang lọc máu để điều trị bệnh TCM cho bé trai 18 tháng tuổi (ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ).

Bệnh nhi được chuyển lên từ BVĐK khu vực Long Khánh tối 11/4 trong tình trạng sốt cao, giật mình và nôn trớ nhiều, bắt đầu tổn thương tim, tổn thương não. Các bác sĩ đã cấp cứu, truyền thuốc đặc trị bệnh TCM, cho bệnh nhân thở máy, chống phù não và lọc máu liên tục. Đến chiều 12/4, tình trạng bệnh nhi tương đối ổn định. Các bác sĩ sẽ tiếp tục lọc máu, truyền thuốc kháng virus, thuốc hỗ trợ, hồi sức.

Mẹ bệnh nhi cho biết, cháu là con đầu, chưa đi nhà trẻ, chỉ ở nhà chơi với bà ngoại và thường xuyên đi chân đất.

Ngoài bé trai này, Khoa Hồi sức tích cực chống độc cũng đang điều trị tích cực cho một bé gái 8 tháng tuổi (ở xã Phước Thái, huyện Long Thành). Bệnh nhi nhập viện cách đây 3 ngày trong tình trạng sốt cao, co giật, liệt nửa người bên trái. Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bé, chờ đến khi bé ổn định sức khỏe sẽ tập vật lý trị liệu.

Tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 (TPHCM), số trẻ mắc TCM đang điều trị tăng nhanh trong những ngày gần đây với nhiều ca bệnh nặng.

BS. Dư Tuấn Quy, Phó Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh (BV Nhi đồng 1) cho biết, hiện khoa đang điều trị 40 trẻ mắc TCM, trong đó có 8 trẻ mắc độ 3. So với tuần trước tăng gấp 1,6 lần.

Theo số liệu thống kê của BV Nhi đồng 1, tỉ lệ trẻ mắc bệnh TCM tại BV vào tháng 3 năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán trong tháng 4 này, tỉ lệ trẻ mắc TCM có khuynh hướng tăng.

Tương tự, BV Nhi đồng 2 đang điều trị 36 ca mắc TCM, trong đó có 6 ca độ 2B và có đến 2/3 bệnh nhi ở các tỉnh, thành phố khác chuyển đến. Dự kiến số ca mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Các biểu hiện của bệnh TCM nặng

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vaccine dự phòng. Tháng 3 và 4 hằng năm là thời điểm bệnh tăng.

Trẻ mắc TCM ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn... Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu.

Trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh, trẻ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban này sẽ trở thành bóng nước. Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ.

BS. Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, bệnh TCM nặng thường xảy ra đối với những bệnh nhi dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi thường bị rất nặng. Có những bệnh nhi bị tổn thương phổi, có em tổn thương tim, tổn thương não, liệt chi.

Những trẻ bị bệnh TCM nặng có dấu hiệu khá kín đáo, không nổi bóng nước, loét miệng nhiều như trẻ bị bệnh TCM thông thường nên rất khó phát hiện. Bệnh TCM biến chứng nặng diễn biến rất nhanh. Do đó, khi thấy trẻ sốt cao liên tục, quấy khóc nhiều, giật mình hoặc đi đứng chới với, run tay… cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để bác sĩ xác định mức độ bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.  

Cha mẹ cũng cần lưu ý 3 triệu chứng bệnh TCM trở nặng dưới đây: Trẻ quấy khóc liên tục kéo dài, sốt cao (trên 38,5 độ C) liên tục không hạ, hay giật mình… vì đây đều là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh.

Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời. 

 Các biện pháp phòng chống TCM

Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.