In bài viết

Dấu hiệu ‘chuyển mình’ của phim hoạt hình Việt

(Chinhphu.vn) - Chỉ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước, các phim hoàn thành chưa thực sự được phổ biến rộng rãi như mong đợi-đó là hiện trạng từ nhiều năm qua của phim hoạt hình Việt Nam. Tuy nhiên, bức tranh ấy đã bớt gam màu u ám khi bắt đầu có các đơn vị tư nhân nhập cuộc.

13/11/2017 12:06
Một cảnh trong phim "Con Rồng cháu Tiên"

Phát hành chính thức trên YouTube từ ngày 4/11, sau 5 ngày bộ phim hoạt hình "Con Rồng cháu Tiên 2017" của hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa đã thu hút hơn 5 triệu lượt người xem cùng với nhiều phản hồi tích cực. Vẫn dựa trên cốt truyện lý giải về nguồn gốc dân tộc Việt nhưng bộ phim đã được thổi vào một làn gió mới mẻ, phù hợp với thị hiếu hơn.

Cùng với Con Rồng cháu Tiên, thời gian qua VinTaTa cũng phát động cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản “Tác giả lừng danh” (độ tuổi từ 7 đến 77, trên phạm vi toàn cầu).

Trước đây, hầu hết các phim hoạt hình tại Việt Nam đều do Hãng Phim hoạt hình Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, trở thành Công ty CP Hãng phim hoạt hình Việt Nam, đơn vị này đã có những thay đổi nhất định. 

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty, việc một số đơn vị tư nhân quyết định đầu tư vào lĩnh vực này là điều bình thường và mỗi đơn vị có mục đích khác nhau, như kinh doanh phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em, quảng cáo thương hiệu...

Mặc dù số lượng còn khiêm tốn nhưng "chất tư nhân" đã góp phần tạo nên diện mạo mới mẻ, đa dạng trong sản xuất phim hoạt hình. Mỗi đơn vị sẽ có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng làm phong phú sản phẩm phim hoạt hình, mang lại cho khán giả nhỏ tuổi những món ăn tinh thần thú vị và sự cảm nhận đa chiều hơn, bà Trần Thị Thu Hiền cho biết. 

Một tín hiệu khá tích cực là hoạt hình Việt cũng đã có nhiều bước tiến về mặt công nghệ và kỹ xảo. Con Rồng cháu Tiên với kinh phí sản xuất hơn 2 tỷ đồng cho thấy những nỗ lực rất lớn của ê kíp, sự chỉn chu cả về mặt hình ảnh và âm thanh. 23 phút phim đã được thực hiện trong vòng 6 tháng với 10.000 giờ sáng tạo cùng sự tham gia của hơn 100 nhân sự.

Bà Trần Thị Thu Hiền khẳng định các phim hoạt hình của Hãng Phim hoạt hình Việt Nam hiện đã được nâng cao về mặt thẩm mỹ, nội dung, cũng như thể loại. Với việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng phim hoạt hình ngày càng được nâng cao, hình ảnh rõ nét, âm thanh sống động…

Đại diện VinTaTa cũng chia sẻ, 2 studio của hãng tại Hà Nội và TPHCM đều sử dụng hạ tầng phần mềm và phần cứng hiện đại nhất tương tự như các studio lớn trên thế giới, đủ để sản xuất hoàn thiện cả hoạt hình 2D và 3D mang đẳng cấp quốc tế. Bộ máy nhân sự cũng quy tụ hơn 100 chuyên gia, họa sĩ hàng đầu Việt Nam và các chuyên gia từ một số hãng hoạt hình lớn trên thế giới. 

Bao giờ ra rạp?

Đó là câu hỏi đã được các chuyên gia, các nhà chuyên môn, báo chí và khán giả đặt ra từ rất lâu đối với phim hoạt hình Việt Nam. 

Dù có tuổi đời gần 60 năm (thành lập năm 1959), sản xuất hàng trăm phim, giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, nhưng đến nay, các sản phẩm của Hãng Phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa thể ra rạp.

Theo bà Trần Thị Thu Hiền, sau cổ phần hóa, Công ty cũng chú trọng mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác để phát triển mảng kinh doanh, dịch vụ. Bước đầu, Công ty đã nhận được một số đơn đặt hàng của đối tác về sản xuất các phim hoạt hình ngắn, clip hoạt hình, minh họa bài hát thiếu nhi, TVC quảng cáo…  

Ông Phan Văn An, Giám đốc Hãng phim Trẻ, đơn vị đồng sản xuất và phát hành bộ phim "Con Rồng cháu Tiên", cho hay đó là mơ ước của bất kỳ ê kíp thực hiện nào. Nhưng theo ông An, còn rất nhiều thách thức với phim hoạt hình trên con đường ra rạp liên quan đến kinh phí, chất lượng phim...

Còn bà Trần Thị Thu Hiền cho biết: “Hãng Phim hoạt hình Việt Nam đã và đang lưu tâm tới việc sản xuất phim truyện hoạt hình chiếu rạp, nhưng quan trọng là phải có kịch bản. Ngoài ra, để có được phim đáp ứng yêu cầu chiếu rạp còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: Kinh phí, nhân sự, công nghệ… Công ty hiện nay đang hoàn thiện các điều kiện này để có thể sớm bắt đầu sản xuất phim chiếu rạp”.

Để hoạt hình Việt thực sự chuyển mình và có bước đột phá, chắc chắn cần thêm thời gian, kinh phí... cũng như sự chung tay của những người làm nghề, các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng rất cần sự hỗ trợ về môi trường để có thể thỏa sức sáng tạo; cần sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan quản lý để tạo ra các sản phẩm có giá trị nhằm tôn vinh tinh thần và văn hóa Việt.

(theo Báo Sài Gòn giải phóng)