In bài viết

Đấu thầu thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất: Phân nhóm kèm theo tiêu chí đánh giá riêng

(Chinhphu.vn) - Chiều 28/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (Dự thảo Nghị định).

28/06/2024 19:20
Đấu thầu thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất: Phân nhóm kèm theo tiêu chí đánh giá riêng- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ KH&ĐT bám sát Luật Đất đai, Luật Đấu thầu trong quá trình tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa Dự thảo Nghị định - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Dự thảo Nghị định áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở, khu dân cư nông thôn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không; trạm dừng nghỉ; dự án xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, cải tạo lại nhà chung cư…

Nghị định tiếp tục đơn giản hoá quy trình, thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động lựa chọn nhà đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan đăng ký đầu tư ở địa phương; đẩy nhanh lộ trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng.

Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư gồm: Năng lực, kinh nghiệm; phương án đầu tư, kinh doanh; hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Trong đó, Dự thảo Nghị định bổ sung yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu, kinh nghiệm của đối tác tham gia đấu thầu; áp dụng phương án tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước tối thiểu, độc lập với nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác, khi đánh giá hiệu quả sử dụng đất.

Góp ý về tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng quy định tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước tối thiểu chỉ nên áp dụng chủ yếu cho dự án phát triển khu đô thị, còn các dự án khác nên xem xét thêm tiêu chí về hệ số sử dụng đất, suất vốn đầu tư, công nghệ…

Đấu thầu thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất: Phân nhóm kèm theo tiêu chí đánh giá riêng- Ảnh 2.
Đấu thầu thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất: Phân nhóm kèm theo tiêu chí đánh giá riêng- Ảnh 3.
Đấu thầu thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất: Phân nhóm kèm theo tiêu chí đánh giá riêng- Ảnh 4.
Đấu thầu thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất: Phân nhóm kèm theo tiêu chí đánh giá riêng- Ảnh 5.

Các ý kiến đánh giá cao Dự thảo Nghị định tiếp tục đơn giản hoá quy trình, thủ tục, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động lựa chọn nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bên cạnh đó, một số ý kiến thống nhất sự cần thiết phải quy định điều kiện chặt chẽ đối với việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn trong tổ chức kinh tế của nhà đầu tư trúng thầu, nhưng không hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh và tự do chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư trong tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng thảo luận về quy định xem xét sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết của địa phương khi chấp thuận chủ trương đầu tư trong hai trường hợp: Đã có quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được phê duyệt; quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu chưa được phê duyệt hoặc đang được điều chỉnh. Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị chỉ xem xét sự phù hợp của dự án với quy hoạch chung khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cơ quan soạn thảo đã đề xuất việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Nghị định và Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT; bổ sung quy định những dự án phát triển nhà ở được chỉ định nhà đầu tư theo Luật Nhà ở thì thực hiện theo Luật Nhà ở; bổ sung một số loại dự án sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đấu thầu thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất: Phân nhóm kèm theo tiêu chí đánh giá riêng- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu có chế tài xử lý trường hợp cố tình đưa hồ sơ mời thầu với các yêu cầu có thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ KH&ĐT bám sát Luật Đất đai, Luật Đấu thầu trong quá trình tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa Dự thảo Nghị định, bảo đảm phạm vi điều chỉnh phù hợp thực tiễn, dự báo các trường hợp phát sinh trong tương lai.

Trong đó cần làm rõ trình tự thủ tục đấu thầu với các nhóm dự án nhà ở thương mại, khu đô thị với tiêu chí đánh giá cơ bản là số tiền nộp thêm cho ngân sách nhà nước nhóm dự án thương mại dịch vụ chuyên ngành như hàng không, sân bay… thì ưu tiên tiêu chí tổng mức đầu tư, công nghệ hiện đại, năng lực, uy tín và kinh nghiệm của nhà đầu tư, doanh thu, hiệu quả tương hỗ của dự án đó với các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội khác. Nhóm dự án khuyến khích xã hội hoá (xử lý chất thải rắn, cấp nước, trạm dừng nghỉ, giáo dục, y tế, văn hoá…) thì đánh giá dựa trên tiêu chí năng lực khoa học công nghệ, hệ số sử dụng đất, suất vốn đầu tư, thời gian thực hiện dự án…

"Phải quy định điều kiện hồ sơ mời thầu chính xác, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế và có chế tài xử lý trường hợp cố tình đưa hồ sơ mời thầu với các yêu cầu có thể hạn chế sự tham gia của nhà thầu", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp tục làm việc với các bộ chuyên ngành, chuyên gia, hiệp hội bất động sản để làm rõ tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng đất mang tính định lượng, có thể tra cứu được; rà soát quy định ràng buộc trách nhiệm của các nhà đầu tư sau khi trúng thầu; quy định sự phù hợp của dự án với quy hoạch chung khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án gắn với trách nhiệm của cấp thẩm quyền để bảo đảm sự đồng bộ với quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu sau khi được phê duyệt hoặc điều chỉnh.

Minh Khôi