In bài viết

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ

(Chinhphu.vn) - Bộ Giao thông vận tải xây dựng các cơ chế, chính sách còn thiếu, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP, trong đó chú trọng các chính sách huy động vốn từ nước ngoài.

06/06/2016 16:58

Ảnh minh họa

Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng công tác giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát chiến lược, quy hoạch gắn với Đề án tái cơ cấu ngành, hướng tới phát triển hài hòa, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy..., kết nối các cảng biển, nhà ga, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, các cửa khẩu, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương; tổ chức rà soát, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng dự án từ thiết kế, thi công, giám sát... tránh thất thoát, lãng phí (đối với cả dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và đầu tư theo hình thức PPP); rà soát, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.

Bên cạnh đó, cân đối tổng thể nguồn lực để đề ra các giải pháp huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Tập trung huy động các nguồn vốn ngân sách nhà nước, ODA, PPP... Nghiên cứu một số tuyến đường sắt tốc độ cao để có lộ trình đầu tư phù hợp. Tăng cường vận tải đường thủy nội địa và các tuyến vận tải thủy ven biển.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, rà soát các vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng... để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Rà soát các dự án đã và đang triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, khắc phục các hạn chế trong đầu tư, khai thác, sử dụng (mức phí, trạm thu phí, tổng mức đầu tư, chất lượng công trình...), kịp thời thông tin trước dư luận.

Phát triển vận tải đa phương thức

Về công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu vận tải toàn ngành, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng.

Đẩy mạnh thực hiện quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện; nghiên cứu nâng chuẩn thiết kế đường bộ, đường sắt, cảng biển để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm chi phí vận tải và thuận lợi trong vận tải đa phương thức.

Bộ Giao thông vận tải tăng cường quản lý trật tự an toàn giao thông, nghiên cứu các biện pháp phù hợp bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đặc biệt ở các đô thị lớn nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản trị doanh nghiệp.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; đất nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới (WTO, TPP...), Bộ Giao thông vận tải cần có biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở cửa thị trường; triển khai thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Phan Hiển