In bài viết

Đậu tương Argentina sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi trong năm 2024

(Chinhphu.vn) - Hiện các hợp đồng đậu tương giao dịch liên thông với Sở Giao dịch Chicago (CBOT) đã có đến 9 tuần giảm giá liên tiếp và đang ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Đóng góp không nhỏ vào xu hướng giá suy yếu này chính là triển vọng tích cực từ nguồn cung lớn Argentina. Là quốc gia đứng thứ ba thế giới về nhập khẩu khô đậu tương, mức giá hiện tại đang rất có lợi cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

22/02/2024 16:59
Đậu tương Argentina sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi trong năm 2024- Ảnh 1.

Theo ghi nhận của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá các hợp đồng đậu tương đã liên tục suy yếu kể từ giữa tháng 11 năm ngoái. Đây là giai đoạn thời tiết ở Argentina diễn biến thuận lợi giúp hoạt động trồng đậu tương tăng tốc và cây trồng phát triển trong điều kiện lý tưởng. Sản lượng đậu tương Argentina đã mở ra triển vọng khả quan cho nguồn cung hạt có dầu toàn cầu trong năm 2024.

Argentina bội thu đậu tương sau đợt hạn hán lịch sử

Argentina là cường quốc sản xuất và chế biến đậu tương trên thế giới. Tuy nhiên, một đợt hạn hán chưa từng có trong lịch sử đã hoành hành từ tháng 5/2022 cho tới đầu năm 2023, tàn phá phần lớn nền nông nghiệp của quốc gia Nam Mỹ này. Sở Giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng đậu tương năm 2023 của Argentina đã xuống mức 21 triệu tấn, thấp hơn 50% so với trung bình hằng năm.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2023, mưa đã xuất hiện với tần suất thường xuyên và hồi phục dần các cánh đồng nông nghiệp khô cằn. Mặc dù trải qua một số đợt khô và nóng cục bộ trong giai đoạn sau đó, nhưng nhiệt độ đã ôn hòa trở lại cùng lượng mưa dồi dào trong hai tháng cuối năm, đúng vào thời điểm hoạt động gieo trồng đậu tương cho vụ thu hoạch năm nay.

Điều kiện thời tiết tốt gần như diễn ra đều đặn trong suốt quá trình phát triển của cây trồng trong tháng 1 và giúp đạt được tối đa năng suất. Dự báo cho thấy khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi cho tới cuối tháng 3 năm nay, thời điểm nông dân Argentina bắt đầu thu hoạch đậu tương.

Nhờ thời tiết thuận lợi, triển vọng sản lượng đậu tương năm 2024 của Argentina đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2023. BAGE dự báo sản lượng đậu tương của quốc gia này có thể lên đến 52,5 triệu tấn, tăng 4,5 triệu tấn so với kỳ vọng ban đầu và cao hơn gấp đôi so với vụ thu hoạch bị thiệt hại bởi hạn hán năm ngoái.

Đậu tương Argentina sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi trong năm 2024- Ảnh 2.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Nhờ mùa vụ “bội thu” trong năm nay, nguồn cung đậu tương của Argentina hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp ép dầu nội địa. Không những thế, xuất khẩu đậu tương dưới dạng thô cũng sẽ được đẩy mạnh nếu nhu cầu thị trường gia tăng”.

Xuất khẩu được thúc đẩy nhờ “chính sách gây sốc” của tân tổng thống

Không chỉ hứa hẹn một năm sản xuất đạt hơn cả kỳ vọng, hoạt động xuất khẩu nông nghiệp của Argentina cũng nhiều gam màu tươi sáng. Theo dữ liệu từ văn phòng công nghiệp CIARA-CEC, kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Argentina đạt 1,25 tỷ USD trong tháng 1, tăng 25% so với tháng 12/2023 và 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được phần lớn là nhờ vào chính sách “gây sốc” của tân Tổng thống Javier Milei.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Argentina diễn ra vào tháng 12/2023, ông Milei đã chiến thắng với gần 56% số phiếu bầu. Một trong những cam kết của ông Milei khi trở thành tổng thống là cải cách triệt để việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời loại bỏ nhiều loại thuế phí đang kìm hãm ngành nông nghiệp của Argentina.

Ngay sau khi đắc cử, ông Milei đã phá giá đồng Peso nội địa tới hơn 50%. Chính sách “có một không hai” này tuy đối mặt với nhiều sự chỉ trích nhưng đã nhanh chóng phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp của Argentina.

Về cơ bản, quyết định của ông Milei đã thu hẹp đáng kể mức chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái chính thức do chính phủ quy định so với tỷ giá “chợ đen” vốn được sử dụng rộng rãi. Điều đó đồng nghĩa với việc nông dân Argentina có thể thu được nhiều nội tệ hơn khi xuất khẩu hàng hóa, do lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu chỉ được quy đổi sang nội tệ theo mức tỷ giá chính thức. Do đó, nông dân có nhiều động lực bán hàng hơn, góp phần làm tăng nguồn cung hạt có dầu cho xuất khẩu.

Đậu tương Argentina sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi trong năm 2024- Ảnh 3.

Brazil mất mùa, đậu tương Argentina là lựa chọn thích hợp

Như đã phân tích ở trên, bên cạnh sản lượng cao, các chính sách của Chính phủ Argentina đang thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này trong năm 2024. Điều này đem đến nhiều ích lợi cho ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nước ta trong năm nay.

Trên thực tế, hầu hết nguồn đậu tương cho sản xuất TĂCN ở Việt Nam vẫn đến từ nguồn nhập khẩu và chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là Brazil. Tuy nhiên, mùa vụ đậu tương năm nay của Brazil đang bị đe dọa bởi hạn hán, nguy cơ cao ảnh hưởng đến nguồn cung và các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với rủi ro giá nhập khẩu tăng.

Trong khi đó, dữ liệu hải quan cho thấy, Argentina vốn cũng là một nhà cung cấp đậu tương quan trọng cho Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020, nhưng lượng nhập khẩu hạt có dầu từ quốc gia này đã sụt giảm những năm gần đây. Điều này một phần tới từ việc mùa vụ của Argentina bị thiệt hại bởi hạn hán khiến giá nhập tăng cao, buộc các doanh nghiệp TĂCN Việt Nam chuyển sang mua đậu tương từ Brazil.

“Trong bối cảnh nguồn cung từ Brazil tiềm ẩn rủi ro tăng giá do mất mùa, các doanh nghiệp TĂCN có thể tính đến việc chuyển hướng một phần sang đậu tương từ Argentina. Hiện giá đậu tương FOB của Argentina giao tháng 5 đang có mức giá rất tốt và cạnh tranh khi thấp hơn khoảng 15 USD/tấn; giá đậu tương FOB giao tháng 7 cũng thấp hơn 35 USD/tấn so với mức giá đậu tương Brazil. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh mua vào, đa dạng thị trường để giảm rủi ro về giá”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.