Để trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
Tác phẩm chỉ là ngữ liệu, là phương tiện để đạt được mục tiêu biết cách đọc, có năng lực đọc
Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, ông có thể cho biết vì sao chương trình môn Ngữ Văn lại đưa ra việc học các tác phẩm bắt buộc?
Một trong những năng lực mà môn học Ngữ văn mang lại là năng lực biết đọc hiểu, biết tiếp nhận, biết cảm thụ, phân tích và đánh giá các giá trị văn học. Thông qua đó mà phát triển cảm xúc thẩm mỹ, tâm hồn, tình cảm, nhân cách (năng lực thẩm mỹ - nhân văn)… Như thế cần dạy cho học sinh cách đọc, phương pháp đọc các thể loại văn học và các kiểu loại văn bản khác (văn bản thông tin và văn bản nghị luận) để các em dần dần có thể tự đọc và học suốt đời chứ không chỉ chú ý dạy vào một số tác phẩm cụ thể, học tác phẩm nào chỉ biết tác phẩm ấy.
Muốn dạy cách đọc, thì phải tập trung dạy theo đặc điểm, cấu trúc của mỗi thể loại văn bản. Thông qua các tác phẩm tiêu biểu của các thể loại văn học ấy mà hình thành cách đọc. Như thế văn bản - tác phẩm chỉ là ngữ liệu, là phương tiện để đạt được mục tiêu biết cách đọc, có năng lực đọc. Tất nhiên đọc có nhiều yêu cầu và cấp độ rộng hẹp khác nhau, qua đó có những hiểu biết về văn học, hiểu chính mình, từ đó mà phát triển tâm hồn, nhân cách… Đó chính là lý do chương trình được thiết kế theo hướng lựa chọn dạy học các thể loại lớn (thơ, truyện, ký, kịch) chứ không theo trục lịch sử văn học như trước đây.
Chương trình hiện hành được xây dựng theo trục lịch sử văn học và quy định rất “cứng” về văn bản - tác phẩm cho mỗi bài, mỗi lớp nên khi chọn tác phẩm, tác giả đưa vào chương trình rất khó. Vì số lượng tác giả, tác phẩm là hết sức lớn và lại rất nhiều tác phẩm “một chín một mười”, đều đảm bảo tiêu chí và có giá trị tương đương, đưa tác phẩm này, không đưa tác phẩm kia rất dễ gây nên những băn khoăn, thắc mắc.
Việc bó hẹp, chỉ giới hạn trong một số tác phẩm, nhất là khi kiểm tra đánh giá còn dẫn tới việc môn Ngữ văn lâu nay nặng về đào sâu, phân tích tác phẩm, làm bài văn mẫu cho một số ít tác phẩm được học là chính. Trong các kì thi quốc gia quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy tác phẩm quen thuộc đến mòn sáo, và nếu như đề thi ra vào một tác phẩm khác chưa có trong sách giáo khoa(SGK), học sinh sẽ hết sức lúng túng…
Chương trình mới sẽ tập trung vào dạy cách học, như thế xương sống của chương trìnhkhông phải là hệ thống các văn bản, tác phẩm mà là các yêu cầu cần đạt, tức chuẩn của chương trìnhvề đọc, viết, nghe, nói. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất không phải là dạy tác phẩm nào mà là dạy loại tác phẩm đó như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu cần đạt không… Nếu quy định quá chặt hệ thống văn bản- tác phẩm cho mỗi bài, mỗi lớp sẽ lại lặp lại hạn chế của chương trình hiện hành, không khuyến khích được năng lực tự chủ, ý thức sáng tạo của giáo viên; không tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương 01 chương trình nhiều SGK như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Tuy nhiên, đây lại là chương trình phổ thông, văn hóa phổ thông, nên một mặt theo hướng mở, tăng tính linh hoạt, khuyến khích tự chủ, sáng tạo; mặt khác cần phải cung cấp cho học sinh một số kiến thức căn bản, nền tảng làm nên cốt lõi của học vấn phổ thông, trong đó có yêu cầu học sinh phải biết một số tác phẩm văn học nổi tiếng. Giải pháp là bên cạnh việc chỉ gợi ý một số văn bản tiểu biểu cho các thể loại văn học thì cần quy định một số tác phẩm bắt buộc. Giải pháp này cũng được chương trình nhiều nước phát triển áp dụng.
Đâu là lí do để lựa chọn 6 tác phẩm Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập để đưa vào chương trình môn Ngữ văn giáo dục phổ thông, thưa ông?
Cơ sở khoa học của việc cần bắt buộc một số tác phẩm tôi đã nêu ở phần trên, còn việc lựa chọn tác phẩm bắt buộc cần dựa vào các tiêu chí. Dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã nêu lên các tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản nói chung, cụ thể: Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp/cấp học; giúp học sinh có hứng thú đọc văn; Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung,… và những giá trị phổ quát của nhân loại.
Riêng 6 tác phẩm bắt buộc (Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập), ngoài các tiêu chí trên còn phải đáp ứng được một số yêu cầu khác, đó là có vị trí và tầm quan trọng bậc nhất về tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc và giá trị nhân văn; có vị trí và ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc; có giá trị và tác động lâu bền đối với nhiều thế hệ.
Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại “văn, sử, triết bất phân”, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc; tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Đó có thể coi là một trong những yêu cầu bắt buộc về một số tác phẩm mà học sinh phổ thông có bằng tú tài phải biết.
Đại cáo bình Ngô, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập… là những tác phẩm không thể thay thế
Một số ý kiến cho rằng nên cắt đi Bài thơ Thần và Hịch tướng sĩ với lý do chính là còn nghi vấn tác giả, nhiều bản dịch, thể loại chưa tiêu biểu… đồng thời thêm vào một số tác giả như Hồ Xuân hương, Nam Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu... Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Theo tôi, ý kiến đề xuất trên không phải không có cơ sở, tuy nhiên cũng không phải đã thuyết phục. Chẳng hạn, vấn đề tác giả của Bài thơ Thần dù chỉ tương truyền là của Lý Thường Kiệt nhưng chắc chắn vẫn là của văn học dân tộc Việt thời Lý chống bọn xâm lược phương Bắc; dù có nhiều bản dịch thì hãy chọn bản dịch tốt nhất; Hịch tướng sĩ có nhiều điển tích, điển cố dẫn liệu từ Bắc sử thì đó chính là một trong những đặc điểm của thi pháp trung đại rồi.
Nếu thêm vào Hồ Xuân Hương, thế Bà huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát và nhất là Nguyễn Khuyến - vốn là 1 trong 9 tác gia lớn của chương trình hiện hành, rồi Trần Tế Xương, Phan Bội Châu nữa thì sao? Nếu thêm Nam Cao, thế Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan thì thế nào? Nếu thêm Chế Lan Viên, Xuân Diệu thì Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm… có kém gì đâu? Ngoài ra Tố Hữu lại vốn là 1 trong 9 tác gia của chương trình hiện hành và thơ Tố Hữu còn“gắn bó chặt chẽ với đời sống dân tộc và sự nghiệp cách mạng” hơn Chế Lan Viên nhiều. Nếu đưa Nguyễn Minh Châu sẽ phải cân nhắc Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Sơn Nam… đó là chưa nói nếu tính tiêu biểu cho văn học thời kỳ đổi mới thì phải kể Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh...
Tất cả các tác giả nêu ra ở đây đều có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, đều có lý do về sự độc đáo như ý kiến đã nêu về các tác giả cần bổ sung.Chẳng hạn: nếu đưa “Chí Phèo” vào danh mục bắt buộc, thì hà cớ gì không đưa“Số đỏ”, một tác phẩm được xem là “vô tiền khoáng hậu”, “một cuốn sách ghê gớm có thể mang lại vinh dự cho mọi nền văn học”? Đó là chưa nói nếu lấy tiêu chí giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật thì sẽ có rất nhiều tác giả cần dạy nữa. Như thế nếu đưa thêm sẽ mở ra hàng loạt các tác phẩm khác tương tự, tương đương và sẽ kéo theo số lượng rất nhiều, ngược với nguyên tắc đề ra, khó có thực hiện được định hướng mở của chương trình đã xác định.
Có thể thấy, chúng ta khó cho thể chọn một tác phẩm tương đương về ví trí và ý nghĩa với Đại cáo bình Ngô, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập… để dùng cho các lựa chọn khác nhau vì vị trí và tính chất đặc biệt, có một không hai của những tác phẩm này. Nhưng với nhiều tác phẩm có giá trị khác thì có thể lựa chọn, có thể thay thế. Phần lớn tác tác phẩm như thế, chúng tôi dành quyền cho tác giả viết SGK và giáo viên, học sinh tự lựa chọn.
Ví dụ, để đáp ứng yêu cầu cần dạy cho học sinh biết đọc hiểu và tiếp nhận truyện cổ tích Việt Nam chẳng hạn thì có thể chọn Thạch Sanh hoặc Em bé thông minh, hoặc Cây khế, hoặc Sọ Dừa… không nhất thiết bắt buộc chỉ dạy mỗi Tấm Cám. Cũng như vậy ở giai đoạn văn học 1930 - 1945, có nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm có giá trị, chương trình chỉ nêu gợi ý, còn việc chọn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Ngô Tất Tố hay Thạch Lam.... miễn là các văn bản - tác phẩm được chọn phải phục vụ tốt cho yêu cầu cần đạt của chương trình mỗi lớp và đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu mà chương trình đã nêu lên.
Học sinh còn được học hàng trăm tác phẩm khác
Cũng còn có ý kiến khác cho rằng, với 6 tác phẩm bắt buộc, dường như chương trình đang thiếu đi mảng văn học hiện đại, thiếu đi hơi thở đương đại với những vấn đề thế sự, đời tư, ông lý giải sao về điều này?
Nếu chương trình chỉ học 6 tác phẩm này thì đúng đây là những điểm cần băn khoăn. Nhưng không phải học sinh chỉ được học 6 tác phẩm này mà còn được tiếp xúc, đọc hiểu, phân tích và đánh giá hàng trăm tác phẩm khác nữa. Với hơn 4.500 giờ, SGK và giáo viên Ngữ văn sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu về đọc hiểu theo các thể loại của văn học hiện đại kể cả mảng văn học mang cảm hứng thế sự đời tư, đề tài và cảm hứng chỉ có ở văn học Việt Nam sau năm 1986.
Việc cần đáp ứng yêu cầu hình thành cách đọc, phương pháp đọc theo thể loạivăn học hiện đại (truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch, ký…) đã được chương trình nêu lên đầy đủ trong chuẩn cần đạt và coi đó là cơ sở để tổ chức dạy, học và kiểm tra, đánh giá.Không ai ngăn cản các tác giả SGK và giáo viên dạy các tác phẩm hiện đại, mang cảm hứng thế sự đời tư. Nhưng cũng cần khẳng định cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo đáng được đề cao. Yêu nước, đánh giặc cũng là biểu hiện của nhân nghĩa, nhân đạo, nhân văn“Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”như Nguyễn Trãi đã khẳng định. Vả lại đó chính là thực tiễn lịch sử và thành tựu văn học nước ta.
Nếu có tới hàng trăm tác phẩm như ông nói thì chương trình môn Ngữ văn có thực sự giảm tải như mục tiêu đặt ra?
6 tác phẩm bắt buộc này học rải ra trong khoảng 7 năm từ cuối cấp THCS đến hết THPT bên cạnh hàng trăm tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại lớn của văn học dân tộc ở nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau thì có gì là nặng nề.
Cần khắc phục quan niệm cứ tác phẩm trung đại là khó, còn tác phẩm hiện đại là dễ. Khó hay dễ phải tùy vào từng tác phẩm cụ thể và tùy thuộc vào yêu cầu của chương trình, đặc biệt là cách dạy của giáo viên.
Văn bản - tác phẩm khó nhưng giáo viên biết dạy vẫn hấp dẫn và có hiệu quả hơn nhiều tác phẩm dễ mà giáo viên không biết dạy. Vì thế việc làm thế nào để học sinh yêu thích văn học nói chung và các tác phẩm trung đại nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào các thầy cô giáo Ngữ văn, chứ không phải các tác phẩm này khó hoặc không có giá trị.
Dự thảo chương trình Ngữ văn đã công bố trên các phương tiện truyền thông để xin ý kiến công luận rộng rãi trong vòng 2 tháng. Ban soạn thảo trân trọng, lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp và sẽ nghiên cứu, trao đổi, tiếp thu những gì hợp lý để hoàn thiện chương trình một cách tốt nhất có thể. Phương án nào cũng có những hạn chế nhất định, chỉ có thể lựa chọn phương án phù hợp nhất với mục tiêu và yêu cầu đề ra, chứ không hy vọng có một phương án đồng thuận tuyệt đối, nhất là với chương trình Ngữ văn.
Nhật Nam