![]() |
Ảnh minh họa |
Thay vào đó, phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể, số lượng trang trại trong giai đoạn 2001 – 2008 tăng 50%, năm 2009 – 2010 tăng 13,2%.
Gỡ khó chuyển đổi nông hộ thành trang trại
Chăn nuôi trang trại đã góp phần kiểm soát dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi. Nắm bắt xu thế này, nhiều địa phương đã có chính sách khuyến khích đầu tư, cụ thể, hiện đã có 40/63 tỉnh, thành phố có Quy hoạch phát triển chăn nuôi, trong đó có 30 tỉnh có Đề án Quy hoạch phát triển chăn nuôi được phê duyệt.
Tuy nhiên, quy hoạch chăn nuôi của các tỉnh vẫn vấp phải những khó khăn như dồn điền, đổi thửa, thủ tục giao đất, cho thuê đất vẫn còn chậm làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư…
Nhu cầu vốn đầu tư, phát triển trang trại rất lớn, trong khi đó khả năng tiếp cận nguồn vốn của trang trại gặp nhiều khó khăn, do tài sản duy nhất thế chấp thường là đất đai, nhưng đất đai ở những vùng chăn nuôi lại có giá trị kinh tế thấp, trong khi thời gian vay vốn ngắn khiến các chủ trang trại chưa thể định hướng phát triển lâu dài.
Theo đánh giá của ông Lê Thanh Sơn, Cục Phó Cục Chăn nuôi, hiện tính liên kết trong phát triển kinh tế trang trại chưa cao, còn lỏng lẻo, thể hiện giữa chủ trang trại và nguồn cung đầu vào, sản xuất và chế biến, giữa chủ trang trại và một số dịch vụ khác…
Còn theo ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi, do sự hình thành và phát triển trang trại chăn nuôi thiếu quy hoạch khiến một số vùng, đặc biệt là ở đồng bằng bị ô nhiễm môi trường. Đây cũng là yếu điểm cần chú trọng ngay từ bây giờ nếu muốn tránh được hậu quả lớn sau quá trình phát triển trang trại .
Phát triển trang trại trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Tại Hội nghị, Cục Chăn nuôi đã đưa ra định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi giai đoạn 2012 – 2020 với 3 quan điểm chủ đạo là phát triển mô hình chăn nuôi hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng chăn nuôi vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả; Tiếp tục đổi mới phương thức chăn nuôi, khuyến khích chăn nuôi trang trại, công nghiệp với quy mô hợp lý, áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường; Ưu tiên phát triển chăn nuôi theo thứ tự cho các con lợn, gà, bò.
Ông Lê Thanh Sơn cho biết, trong định hướng tái cơ cấu phương thức chăn nuôi, Cục sẽ chủ trương giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, đặc biệt là tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, chuyển sang phương thức chăn nuôi có kiểm soát, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại, gia trại.
Cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi chuyển nhanh chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ thành các gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô vừa và lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ yêu cầu các địa phương khẩn trương di dời các cơ sở chăn nuôi ở những vùng không được quy hoạch vào vùng quy hoạch.
Cục Chăn nuôi cũng đưa ra 3 hình thức chăn nuôi để các địa phương có thể lựa chọn tùy theo điều kiện sinh thái và thực tiễn địa phương: trang trại chăn nuôi hộ gia đình theo quy hoạch (một chủ trang trại đầu tư); trang trại gắn với khu tập trung chăn nuôi có nhiều chủ đầu tư); trang trại chăn nuôi hỗn hợp (chăn nuôi, trồng trọt kết hợp nuôi trồng thủy sản).
Cùng với đó, Cục Chăn nuôi cũng đưa ra kiến nghị sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP về việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo hướng tất cả các cơ sở chăn nuôi đủ tiêu chí trang trại, vệ sinh môi trường, thú y… được địa phương xác nhận thì không phân biệt vùng miền khó khăn hay đặc biệt khó khăn… đều được hưởng chính sách theo Nghị định này.
Cục cũng đề nghị sửa đổi Nghị định này dành cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại địa bàn miền núi (không phân biệt vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn) được hưởng chính sách theo quy định của Nghị định 61.
Ông Lê Thanh Sơn cũng cho biết, một trong những mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi là đưa giá trị sản xuất chăn nuôi từ 28% như hiện nay lên 42% vào năm 2020.
Đỗ Hương