Bộ Tư pháp cho biết, triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Công chứng năm 2014. Sau hơn 09 năm triển khai thực hiện Nghị định này, các kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận: 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyển đổi 16 phòng công chứng thành văn phòng công chứng; 11 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương giải thể 12 phòng công chứng do không chuyển đổi được sang văn phòng công chứng hoặc theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. Nhờ đó, hiện nay trong cả nước có 10 địa phương đã hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể toàn bộ các phòng công chứng; các văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi phòng công chứng đều hoạt động ổn định, hiệu quả, cơ bản giữ nguyên đội ngũ công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ nòng cốt của các phòng công chứng cũ. Trên cơ sở quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, quy định về chính sách ưu đãi đối với văn phòng công chứng thành lập tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn đã được ban hành và triển khai thực hiện. Về phía các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, với quy định cụ thể của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, từ con số chỉ có 07 Hội công chứng viên được thành lập tính đến trước ngày 01/5/2015 (thời điểm Nghị định số 29/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thì đến nay toàn bộ 63/63 địa phương trong cả nước thành lập được Hội công chứng viên, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam cũng được thành lập vào năm 2019 và tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II vào năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì Nghị định số 29/2015/NĐ-CP cũng bộc lộ nhiều điểm tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể, quy định về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng còn chưa phù hợp, mang tính định tính chung chung nên gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình chuyển đổi dẫn đến kết quả chuyển đổi tại nhiều địa phương còn hạn chế (các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai... chưa chuyển đổi được phòng công chứng nào), tại các địa phương đã chuyển đổi phòng công chứng thì cách thức thực hiện cũng rất khác nhau, có địa phương thì thực hiện đúng yêu cầu không chuyển đổi được thì mới giải thể phòng công chứng, có địa phương thì lại tiến hành giải thể ngay mà không đặt vấn đề chuyển đổi phòng công chứng.... Quy định về điều kiện trụ sở của văn phòng công chứng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên... cũng còn chung chung hoặc mang tính dẫn chiếu đến quy định pháp luật có liên quan mà chưa thực sự bám sát, phù hợp với đặc thù hoạt động công chứng nên việc thực hiện còn mang tính đối phó, chưa mang lại hiệu quả thiết thực....
Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Chính phủ là phải ban hành một Nghị định mới để vừa khắc phục những điểm hạn chế, bất cập của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, vừa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ mới được Luật Công chứng năm 2024 giao cho Chính phủ.
Do vậy, Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất để triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, đồng bộ các quy định của Luật Công chứng mới trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng và phát triển hoạt động công chứng bền vững, ổn định.
Luật Công chứng 2024 quy định:
Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh; tại các đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
Trường hợp địa phương đã phát triển được Văn phòng công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức và căn cứ vào quy định của pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trường hợp không có khả năng chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án giải thể Phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Chương I: Quy định chung (Điều 1 và Điều 2);
Chương II: Công chứng viên (Từ Điều 3 đến Điều 7);
Chương III: Tổ chức hành nghề công chứng (Từ Điều 8 đến Điều 30);
Chương IV: Hành nghề công chứng (từ Điều 31 đến Điều 45);
Chương V: Thủ tục công chứng (từ Điều 46 đến Điều 62);
Chương VI: Quản lý nhà nước về công chứng (Từ Điều 63 đến Điều 65);
Chương VII: Điều khoản thi hành (Từ Điều 66 đến Điều 69).
Về điều kiện trụ sở của Phòng công chứng, Điều 8 dự thảo Nghị định quy định các điều kiện về diện tích làm việc tối thiểu của công chứng viên, diện tích tối thiểu về kho lưu trữ, chỗ để xe, không được sử dụng nhà chung cư có mục đích để ở để làm trụ sở phòng công chứng..., đồng thời quy định rõ trường hợp các phòng công chứng không đáp ứng các điều kiện này trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thì bị giải thể để phù hợp với quy định tại khoản 14 Điều 76 của Luật Công chứng.
Dự thảo quy định cụ thể việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng, giải thể Phòng công chứng tại các địa phương (Điều 9 - Điều 16)
Để quy định chi tiết các vấn đề về chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các nội dung sau đây:
- Quy định về chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng: Vấn đề này đã được quy định tại Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và đã được triển khai thực hiện trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP về vấn đề này còn nhiều điểm bất cập, không phù hợp về xác định giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng (quy định giá quyền nhận chuyển đổi được xác định trên cơ sở đánh giá về tổ chức và hoạt động, uy tín của Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi, số lượng hợp đồng, giao dịch đã công chứng của Phòng công chứng trong 03 năm gần nhất), phương thức chuyển đổi Phòng công chứng (đặt vấn đề đấu giá quyền nhận chuyển đổi).... Để khắc phục những bất cập nêu trên, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi Phòng công chứng, dự thảo Nghị định dự kiến kế thừa quy định của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP về việc chuyển giao quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng cho chính các công chứng viên của Phòng công chứng; bỏ quy định về phương thức đấu giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng và quy định về xác định giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng (Điều 11, Điều 12).
- Quy định về lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi Phòng công chứng, giải thể các Phòng công chứng: Đây là vấn đề mới được Luật Công chứng năm 2024 giao Chính phủ quy định. Việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng là cần thiết, tất yếu và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động công chứng, sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của các Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể 108 Phòng công chứng hiện có thì sẽ có hàng loạt vấn đề cần giải quyết liên quan đến xử lý tài sản nhà nước, giải quyết chế độ chính sách cho viên chức, người lao động, việc thống kê, bàn giao lượng lớn hồ sơ công chứng.... Do vậy, dự thảo Nghị định quy định việc chuyển đổi Phòng công chứng được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng chậm nhất là ngày 31/12/2030 (khoản 3 Điều 9). Như vậy, các địa phương sẽ có khoảng thời gian tối đa là 5 năm 6 tháng để hoàn thành nhiệm vụ này.
Về giải thể Phòng công chứng, Điều 16 dự thảo Nghị định quy định 04 trường hợp giải thể Phòng công chứng để bảo đảm đúng nguyên tắc không có khả năng chuyển đổi thì giải thể Phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng.
Trình tự, thủ tục giải thể thì được dẫn chiếu về quy định của Luật Công chứng.
Về danh mục đơn vị hành chính cấp huyện được thành lập văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, dự thảo Nghị định đề xuất một Danh mục kèm theo trên cơ sở các tiêu chí sau: (1) Mật độ dân số thấp (theo số liệu năm 2023 thì mật độ dân số trung bình của nước ta là khoảng 320 người/km2, như vậy mật độ dân số thấp có thể lấy con số khoảng từ 200 người/km2 trở xuống); (2) Có cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển (Diện tích rộng nhưng địa bàn phức tạp, hệ thống đường xá chưa phát triển, số lượng phương tiện giao thông còn ít...); (3) Khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh (số lượng giao dịch dân sự ít, quy mô và giá trị giao dịch nhỏ, không bảo đảm lượng việc nếu thành lập văn phòng công chứng có từ 02 công chứng viên trở lên).
Trên cơ sở các tiêu chí này, Danh mục kèm theo hiện bao gồm 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khoảng 280 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đối tượng được thành lập văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Về công chứng điện tử (mục II chương V), dự thảo Nghị định quy định một số vấn đề về văn bản công chứng điện tử, bao gồm cách thức tạo lập văn bản công chứng điện tử, việc ký văn bản công chứng điện tử, việc đánh số trang, việc sửa lỗi kỹ thuật, việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ... (Điều 51).
Theo đó, văn bản công chứng điện tử sẽ có một số điểm đặc thù so với văn bản công chứng giấy, bao gồm khác biệt về cách thức tạo lập văn bản (do được ký số hoặc do được chuyển đổi từ văn bản giấy), về yêu cầu đối với văn bản (phải có ký hiệu riêng để tham chiếu, kiểm tra tính xác thực), về cách thức sửa lỗi kỹ thuật (phải lập thành trang sửa lỗi kỹ thuật đính kèm với văn bản gốc)...
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Hoa Hoa