In bài viết

Đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012 đã chỉ rõ một trong những thách thức đang nổi lên hiện nay là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tồn kho lớn.

21/06/2012 15:40

Việc tăng cường đưa hàng hóa vào chợ truyền thống và xây dựng kênh phân phối bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm.

Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ tồn kho hàng trong 5 tháng đầu năm tăng 20-25% so cùng kỳ 2011 là một bức xúc đang đặt ra. Với các doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.

Theo một khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), nhu cầu nội địa trong 5 tháng đầu năm rất yếu, không chỉ các tiểu thương ở chợ mà nhiều hệ thống siêu thị cũng đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa khó tiêu thụ do sức mua trên thị trường bị sụt giảm. Có tới 40% số người thường xuyên mua sắm qua siêu thị cho biết tần suất đi siêu thị của họ đang giảm dần; những người có thói quen mua sắm ở chợ cũng có tới 27% giảm số lần đi chợ...

Từ phía các doanh nghiệp, ông Đỗ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2012, thép thành phẩm tồn kho là 320.000 tấn, tăng 65.000 tấn. Hiện ngành thép đang trong giai đoạn khó khăn nhất và hầu hết các nhà máy thép chỉ chạy 50% - 60% công suất.

Về giải pháp giải phóng hàng tồn cho doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co-op Mart, ưu tiên thứ nhất là phải giúp cho doanh nghiệp hạ được giá thành, giảm chi phí đầu vào, giảm được lãi suất. Cùng với đó, có thể hỗ trợ cho người tiêu dùng thông qua giảm thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân…

Nhìn từ khía cạnh khác, GS.TS Đặng Đình Đào - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng ngoài lí do sức mua trên thị trường trong và ngoài nước sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao còn có nguyên nhân rất lớn từ bản thân các doanh nghiệp. Cụ thể, khi tính toán kế hoạch sản xuất, nhiều doanh nghiệp chưa dựa vào nhu cầu thị trường, chưa có sự tính toán khoa học. Hệ thống phân phối sản phẩm của doanh nghiệp cũng còn có nhiều vấn đề, trong khi vẫn định giá bán sản phẩm ở mức cao.

Tăng tổng cầu của nền kinh tế

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển thị trường trong nước, kích thích tiêu thụ, giảm hàng hóa tồn kho, thúc đẩy sản xuất; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tranh thủ cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn khi có phục hồi; kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa phù hợp với chính sách tiền tệ; tập trung đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân nguồn vượt thu cuối năm 2011, các khoản tạm dừng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2011; thúc đẩy giải ngân vốn ODA, FDI.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, đây là các biện pháp hiệu quả để tăng tổng cầu, giúp tháo gỡ một phần hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu triển khai nhanh việc cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ. Việc này cũng sẽ góp phần tiêu thụ hàng xi măng, sắp thép, vật liệu xây dựng tồn kho.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần chủ động tăng cường tiếp xúc, lắng nghe các phản hồi về chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho, phát triển thị trường trong nước, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong 2-3 tháng tới để giúp các doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái kinh doanh bình thường.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tích cực để các doanh nghiệp được tiếp cận và hấp thụ vốn, tập trung vốn hỗ trợ cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định giải phóng hàng tồn kho là là một nhiệm vụ trọng tâm đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, các ngành giải quyết.

Cùng với các giải pháp kiên trì thực hiện của Nghị quyết 11/2011 và Nghị quyết 13 của Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường thực chất hơn cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, hạn chế nhập khẩu. Các giải pháp này được tiến hành đồng bộ với chính sách tài khoá, đầu tư hứa hẹn sẽ giúp lượng hàng tồn kho giảm trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp nỗ lực

Bên cạnh sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều giải pháp “tự thân vận động” để vượt qua khó khăn. Phương án giải phóng hàng tồn kho được mỗi doanh nghiệp thực hiện một cách, phù hợp vào sở trường, sở đoản của hoạt động kinh doanh.

Ví dụ, với ngành thép, các doanh nghiệp đã tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Tính đến tháng 5, sản phẩm sắt thép xuất khẩu của cả nước đạt gần 500. 000 tấn, tăng khoảng 46% so với cùng kỳ. Theo ông Đỗ Duy Thái, mặc dù lợi nhuận của việc việc xuất khẩu thép vào thời thời điểm này là rất thấp nhưng giải pháp tình thế này đã giải quyết được lượng thép tồn kho lớn cho ngành thép.

Là nhà sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ,  nhưng do việc xuất khẩu gặp nhiều trở ngại, Công ty Fisico (Bình Định) đã quay về tìm “đầu ra” ở thị trường trong nước bằng việc giảm giá sản phẩm để bán một phần.

Công ty Nông phẩm Xanh (TP Hồ Chí Minh), đơn vị chuyên xuất khẩu và cung cấp các loại rau củ quả chất lượng ở thị trường phía Nam, đã chọn lựa những đơn hàng ổn định có tiềm năng để xuất khẩu và hợp đồng dài hạn với hệ thống nhà hàng, khách sạn để cung cấp hàng cho họ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai - Phó giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Liên Thành cho biết các doanh nghiệp phải đẩy mạnh khâu tiếp cận khách hàng, tăng sự nhận biết cho sản phẩm thông qua việc kết nối, thông tin, trao đổi trực tiếp và chia sẻ lợi nhuận với đơn vị bán lẻ sản phẩm.

Theo ông Hồ Minh Chính - chuyên gia của Trung tâm đào tạo bán hàng chuyên nghiệp KAS, hiện tại, việc tăng cường đưa hàng hóa vào chợ truyền thống và xây dựng kênh phân phối bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có đầu ra cho sản phẩm.

Tuy không có phương thức chung cho tất cả doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh khâu bán hàng, nhưng nếu doanh nghiệp chủ động rà soát lại hoạt động kinh doanh, cơ cấu hệ thống phân phối thì sẽ đưa ra giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn.

Thu Hà