Theo TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Hỗ trợ pháp lý liên ngành (Bộ Tư pháp), công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhằm thể chế hoá Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện trên tinh thần "ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Do đó, việc sớm ban hành Đề án này là rất cần thiết để kịp thời hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp dễ bị tổn thương sau đại dịch COVID-19, tập trung vào các vấn đề lớn như: Hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, trọng tâm trọng điểm, thể hiện tính liên ngành, liên vùng và mang tầm quốc gia.
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp xác định cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với việc tổ chức rà soát khó khăn, vướng mắc và hướng khắc phục (xây dựng cơ sở dữ liệu về phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vi phạm hành chính); bổ sung cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý có tính mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo…
Nâng cao nhận thức, năng lực pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp; kết nối truyền thông giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp; đánh giá cụ thể hiệu quả, lấy hiệu quả của doanh nghiệp làm trọng tâm; chủ động đối thoại với doanh nghiệp.
"Đặc biệt, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cần sự phối hợp và vào cuộc quyết liệt giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp", TS. Trần Minh Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đẩy mạnh truyền thông với các hình thức phong phú và đa dạng. Nâng cấp về nội dung và hình thức Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp lên Cổng Thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với nhiều chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn tạo sức lan toả và thu hút doanh nghiệp tham gia, đồng hành để chương trình ngày càng lớn mạnh và hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), các yêu cầu lớn đặt ra của Đề án này là nâng cao nhận thức, tăng cường theo dõi, thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các thiết chế bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật và thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định của Nghị định 55/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, thúc đẩy năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trọng tâm là thực hiện kịp thời, đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin pháp lý theo Nghị định 55/NĐ-CP; chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp, mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; củng cố và phát triển đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là người làm công tác pháp chế cho doanh nghiệp; tổ chức toạ đàm, hội nghị, đối thoại giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua đã được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi nhận "hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua có bước phát triển mạnh".
Do đó, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu các vụ, cục của Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó, xác định rõ yêu cầu mới đặt ra cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong tình hình cấp bách hiện nay của Chính phủ là tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COCID-19, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đang đặt ra và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiện nay.
* Cũng trong khuôn khổ của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho ý kiến về việc công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2022. Theo đó, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhất trí với việc tổ chức Diễn đàn này và chỉ đạo các vụ, cục của Bộ Tư pháp sớm xây dựng và tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2022 với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVD-19 đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp.
Đây là diễn đàn hằng năm để các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Việc tổ chức Diễn đàn này phải đáp ứng yêu cầu "sinh động, thiết thực, hiệu quả". Tăng cường tính tương tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, thực sự "gãi đúng chỗ ngứa" của doanh nghiệp và "hậu diễn đàn cần bám sát được việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp như thế nào".
Lê Sơn