In bài viết

Đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu dịch vụ

(Chinhphu.vn) – Trong khi xuất khẩu hàng hoá đã đạt được nhiều sự vượt trội và trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế nước ta thì xuất khẩu dịch vụ mặc dù cũng đã được đẩy mạnh trong mấy năm nay, nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập cần khắc phục.

10/01/2011 17:18

Nguồn số liệu: Niên giám thống kê hàng năm và báo cáo năm 2010 của Tổng cục Thống kê

Xuất khẩu dịch vụ của nước ta (du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính…) thời gian gần đây đã đạt được một số kết quả đáng chú ý.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm, chỉ bị ngắt quãng vào năm 2009, chủ yếu do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2006 tăng 19,6%, năm 2007 tăng 26,7%, năm 2008 tăng 8,5%, năm 2009 giảm 17,7%; ước năm 2010 tăng 29,4%);  bình quân trong thời kỳ 2006- 2010 đạt 11,83%, cao hơn gấp rưỡi tốc độ tăng GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra (7,73%).

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2005 đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 53,93%; năm 2009 đạt 3,05 tỷ USD, chiếm 52,9%; ước năm 2010 đạt 4.450 triệu USD, chiếm 59,65%; bình quân 6 năm qua đạt 3.388,3 triệu USD/năm, chiếm 56,38%. Tốc độ tăng bình quân năm của dịch vụ du lịch trong 5 năm qua đạt 14,11% - cao hơn tốc độ tăng chung của xuất khẩu dịch vụ.

Xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt được kết quả tích cực như trên nhờ lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần như liên tục tăng lên qua các năm. Năm 2009, số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5 triệu lượt người. Như vậy, dịch vụ du lịch đã phục hồi về lượt khách và đang có xu hướng phục hồi về mức chi tiêu của khách trước khủng hoảng. Đây là tín hiệu khả quan để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong các năm tới và tăng với tốc độ cao hơn về số ngoại tệ thu được từ khách do khách đến chi tiêu nhiều hơn, ở lại dài ngày hơn. Đây cũng là thời cơ cho ngành Du lịch Việt Nam.

Một dịch vụ khác có quy mô và tỷ trọng lớn thứ 2 là dịch vụ vận tải: năm 2005 đạt 1,167 tỷ USD, năm 2009 đạt 2,062 tỷ USD, ước năm 2010 đạt 2,306 tỷ USD.

Tuy nhiên, về xuất nhập khẩu dịch vụ cũng còn những hạn chế, bất cập. Đó là do quy mô xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam còn nhỏ. Tỷ lệ xuất khẩu dịch vụ so với GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra mới chỉ đạt trên dưới 20% (năm 2005 đạt 21,2%;  năm 2009 đạt 16,1%; ước năm 2010 đạt 19,2%, tính chung 2005- 2010 đạt xấp xỉ 20,2%). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ bình quân năm trong thời kỳ 2006- 2010 còn thấp so với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (17,2%) và thấp hơn tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu (13,3%) trong thời gian tương ứng. Do vậy, trong quan hệ xuất- nhập khẩu dịch vụ với nước ngoài, Việt Nam còn ở vị thế nhập siêu.

Từ những con số so sánh như trên, trong giai đoạn tới, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu dịch vụ.

Theo đó, cần tăng tỷ trọng dịch vụ/GDP cũng như tăng tỷ trọng lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ so với tổng số lao động đang làm việc của cả nước (năm 2000 đạt 21,8%; năm 2005 đạt 24,7%, năm 2010 ước đạt 29,4%). Do tính chuyên nghiệp của lao động trong nhóm ngành này còn thấp, tính kiêm nhiệm còn cao; những ngành có năng suất lao động cao như tài chính- tín dụng, hoạt động khoa học- công nghệ, các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn thì tỷ trọng lao động rất nhỏ, đã làm cho năng suất lao động của nhóm ngành này còn thấp. Vì vậy không chỉ tăng tỷ trọng lao động mà còn tăng tính chuyên nghiệp và năng suất lao động.

Thứ hai, việc mở cửa đối với các nhóm ngành sản xuất hàng hoá được tiến hành sớm hơn, sâu hơn, rộng hơn, còn đối với nhóm ngành dịch vụ chậm hơn, ít hơn, rộng hơn. Vì vậy, trong những năm tới, việc mở cửa hội nhập đối với nhóm ngành dịch vụ sẽ sâu, rộng hơn, toàn nhóm ngành sẽ có cơ hội phát triển; tuy nhiên cần phải tăng hiệu quả, sức cạnh tranh, tăng sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các đơn vị ở trong nước để tránh bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn át như đã diễn ra ở một số nước, nhất là lĩnh vực bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng,…

Ba là một số ngành mà tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ còn nhỏ bé (như dịch vụ vận tải, bảo hiểm, tài chính, bưu chính viễn thông) nên cần phải đẩy mạnh phát triển hơn nữa để giữ thị phần và giành lại thị phần.

Minh Ngọc