In bài viết

Đẩy mạnh hơn việc thực hiện bình đẳng giới trong ngành Y tế

(Chinhphu.vn) - Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà Vũ Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) đã dành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về việc thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Y tế giai đoạn 2011-2015.

19/10/2012 09:16

Vũ Minh Hạnh. Ảnh: VGP/Việt Hà

Xin bà cho biết những mục tiêu cơ bản trong Kế hoạch hành động về bình đẳng giới mà Bộ Y tế đang triển khai thực hiện?

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh: Khi nói đến bình đẳng giới trong ngành Y tế, phải xác định rằng khác với các ngành khác, ngành  Y tế có hai nhóm mục tiêu phải đảm nhận. Thứ nhất là nhóm mục tiêu thực hiện sự bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho mọi người nói chung. Nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngành Y tế cũng đặt mục tiêu nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành; hỗ trợ giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe là nạn nhân bạo lực gia đình.

Thứ hai là nhóm chỉ tiêu về đảm bảo quyền bình đẳng với cán bộ y tế với việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý trong toàn ngành nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực này.

Thưa bà, để thực những mục tiêu nói trên, ngành Y tế cần giải quyết những trở ngại nào?

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh: Có thể nói rằng, hiện nay các chỉ số sức khỏe dân cư đã cho thấy có những tiến bộ vượt bậc trong các chỉ số dân cư nói chung, đặc biệt là chỉ số phản ánh bình đẳng giới như tỷ lệ tử vong người mẹ, tỷ lệ tử vong trẻ em... Những chỉ số này của Việt Nam đã vượt trước so với Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Nhưng những khó khăn đặt ra hiện nay là vẫn còn nhiều định kiến về giới trong xã hội, gia đình và ngay bản thân người phụ nữ, do đó, người phụ nữ thường gặp khó khăn hơn trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế.

Về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong ngành Y tế cũng có những khó khăn. Hiện nay, toàn ngành Y tế có hơn 66% lực lượng lao động là nữ, nhưng vị thế của chị em cả trong chuyên môn cũng như trong cương vị quản lý hoặc là cương vị lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể hiện là biểu đồ hình chóp nón (ở đáy lao động đơn giản, chức vụ thấp chiếm số đông, còn lên cao, những người có trình độ cao, cương vị lãnh đạo cao thì càng giảm).

Thực trạng này có nhiều lý do khác nhau do phụ nữ phải sinh nở, chăm con nên thời gian để cống hiến và đáp ứng những yêu cầu về các quy định liên quan đến đào tạo, bổ nhiệm là rất ngắn. Ngoài ra, còn có đặc điểm về mặt thể chất mang tính sinh học cũng ảnh hưởng phần nào đến vị thế của người phụ nữ. Ví dụ, người phụ nữ thường cần mẫn, tỷ mẩn, chi tiết ân cần nên phù hợp với những công việc mang tính phổ thông như điều dưỡng. Rồi điều kiện học hành cũng bị hạn chế trong khi các ngành chuyên môn đòi hỏi trình độ cao mới được ghi nhận...

Bên cạnh những khó khăn kể trên, sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng chưa được như mong đợi vì bình đẳng giới vẫn là vấn đề mới. 

Vậy đâu là giải pháp cơ bản cho vấn đề này, thưa bà?

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh: Để giải quyết những hạn chế này cần nhiều các giải pháp, trong đó quan trọng nhất là cần tuyên truyền giáo dục cho các chị em, gia đình, xã hội, đồng thời, ngành Y tế thực hiện phương châm phát triển hệ thống y tế cơ sở mạnh hơn để đưa được dịch vụ chất lượng đến với người dân. Như vậy, chị em phụ nữ sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này.

Ngoài ra, cần nỗi lực tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động vì bình đẳng giới. Tháng 9 vừa qua, ngành Y tế đã xây dựng được bộ chỉ số để đo lường kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các cơ sở y tế, để theo dõi thực hiện kế hoạch hành động bình đẳng giới với những số liệu cụ thể, cập nhật.

Để đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, ngành Y tế đặt mục tiêu đến năm 2015 đảm bảo tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; 100% cơ sở y tế cam kết không thông báo giới tính thai nhi cho phụ nữ có thai và người thân của họ...

Giảm tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản xuống còn 58,3/100.000 trẻ đẻ sống; ít nhất có 80% đối tượng tuổi vị thành niên và nam, nữ từ 18 tuổi trở lên ở thành phố được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS…

Việt Hà