Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Để chủ động trong công tác PCCCR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, thiết bị sẵn sàng dập lửa nếu xảy ra cháy rừng; yêu cầu các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR và tuân thủ an toàn việc sử dụng lửa trong sản xuất, đốt thực bì, tránh gây cháy lan. Đối với các tổ chức, cá nhân trước khi đốt thực bì phải dọn đường ranh cách lửa từ 3m trở lên; đồng thời, trước khi đốt phải báo với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để giám sát...
Các địa phương trên địa bàn tỉnh phải chủ động, triển khai các biện pháp PCCCR hợp lý, đều khắp, cụ thể và cấp bách nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. Chính quyền xã, thôn phải sâu sát với từng khu vực rừng, kịp thời chấn chỉnh những nguy cơ dễ gây cháy rừng.
* Để nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng, những ngày gần đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR dành cho chủ rừng, các tổ trồng và bảo vệ rừng, hộ dân sống ven rừng.
Với sự chủ động của ngành chức năng, công tác PCCCR ở Sóc Trăng đang được tập trung cao độ. Lực lượng chức năng đã nghiêm cấm người dân vào rừng khai thác mật ong, bắt cua, bắt cá… để tránh nguy cơ gây ra cháy rừng.
* Tại tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan ban ngành liên quan, các chủ rừng, lực lượng tham gia bảo vệ rừng và nhân dân khu vực có rừng phải chủ động trong công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính. Đồng thời thực hiện đồng bộ 4 giải pháp:
Thứ nhất, cần quản lý, giám sát nguồn lửa, nguồn nhiệt mà cụ thể là bố trí các điểm chốt chặn, trạm kiểm soát, thực hiện canh gác, bảo vệ an toàn khu vực rừng. Duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa hanh khô để kiểm soát chặt chẽ, hạn chế người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; phát hiện kịp thời điểm cháy; hướng dẫn khách thăm quan du lịch tại những khu vực trọng điểm cháy rừng cao.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, chủ rừng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt khi ra vào rừng, cụ thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn. Lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, hội họp tại thôn, xóm. Thông qua trực quan sinh động bằng cách tăng dày các bảng, biển cấm lửa tại các cửa rừng.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCCR. Tổ chức các đoàn công tác, phối hợp giữa các lực lượng tiến hành kiểm tra công tác PCCCR tại các vùng trọng điểm cháy rừng, đôn đốc thực hiện công tác PCCCR. Bên cạnh đó, các chủ rừng phải khẩn trương rà soát, xác định vùng trọng điểm cháy rừng trong phương án PCCCR. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các điểm chốt, trạm canh gác. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát thông qua hệ thống vệ tinh cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và có phương án chữa cháy rừng cụ thể cho từng khu vực có nguy cơ cháy cao.
Thứ tư, trong quá trình xử lý thực bì tại các rừng trồng cần tuân thủ theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Để chủ động trong chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra cần chủ động, thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ, không để xảy ra cháy lớn. Huy động các lực lượng, phương tiện tại chỗ xử lý ngay khi mới phát hiện cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lan trên diện rộng. Phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể với từng thành viên của Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp để tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.
TH