In bài viết

Đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS

(Chinhphu.vn) – Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự, giai đoạn 2021-2025.

16/10/2021 12:53
Lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo quán triệt toàn Hệ thống THADS về triển khai thực hiện Chị thị 04-CT/TW của Ban Bí thư. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho biết: Việc ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự, giai đoạn 2021-2025, nhằm quán triệt quan điểm, chủ trương đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đó là: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Cùng với đó phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong THADS là biện pháp mang tính “chủ động, từ sớm, từ xa” của toàn Hệ thống THADS hướng tới việc hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các thành tố tạo thành nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong tổ chức, hoạt động THADS và làm cho các thành tố này không có điều kiện phát huy được tác dụng, từ đó loại trừ dần nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng, sai phạm xảy ra trong lĩnh vực này.

"Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, công chức THADS trong thực thi công vụ, ngăn chặn, loại bỏ các cơ hội phát sinh tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong hoạt động THADS, góp phần xây dựng bộ máy cơ quan THADS trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ THADS liêm chính, chí công, vô tư", Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS, Chương trình hành động được ban hành lần này đã bám sát và để triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa theo đúng chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước như Luật Phòng, chống tham nhũng, các văn bản có liên quan và trên tinh thần cụ thể hóa để phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu của hoạt động THADS ở Việt Nam.

Chương trình hành động xác định toàn diện các nhiệm vụ lớn trên tất cả các mặt công tác của hệ thống THADS với 10 nhóm nhiệm vụ lớn, trọng tâm và gần 70 nhiệm vụ cụ thể như: đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác tổ chức, hoạt động THADS, trong đó chú trọng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm; tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ tổ chức THADS, theo dõi thi hành án hành chính để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, sai phạm; thực hiện thường xuyên và hiệu quả công tác tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đối với công tác cán bộ cần thực hiện nghiêm quyết định số  205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong THADS; thực hiện nghiêm và có hiệu quả công tác tài chính, kế toán và đầu tư xây dựng cơ bản của hệ thống THADS; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra trong THADS; đẩy mạnh phối hợp chặt chặt, có hiệu quả với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và Thanh tra Bộ Tư pháp trong THADS; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng  yêu cầu của  công tác THADS trong tình hình mới.

Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động phải có sản phẩm, thời gian cụ thể, tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh  nghiệm của từng cơ quan THADS.

Thủ trưởng các đơn vị và người đứng đầu cấp ủy phải cụ thể hóa Chương trình hành động này để có quy định phù hợp với tình hình của từng đơn vị; gương mẫu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm chế  độ, trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm trong đơn vị mình quản lý. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, sai phạm và hành vi bao che, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm.

Ngoài những nội dung trên, theo ông Nguyễn Quang Thái, việc ban hành Chương trình hành động này cũng chính là biện pháp, giải pháp thiết thực để đưa Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư ngày 2/6/2021về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong Bộ, ngành tư pháp đi vào cuộc sống.

Hệ thống THADS có trách nhiệm lớn lao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân đó là thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo Bản án, quyết định của Tòa án thì càng phải gương mẫu và càng phải loại trừ hạn chế tối đa xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.

Trong công tác phòng ngừa tham nhũng, thường xuyên đẩy mạnh việc học tập và làm theo đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, công chức Hệ thống THADS gắn với việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong từng cơ quan đơn vị. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp giữa "xây và chống" trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm trong hoạt động THADS, trong đó xây là chính và xây phải bắt đầu từ chủ động và thực hiện thật hiệu quả công tác phòng.

Lê Sơn