Năm 2022: Rà soát độc lập, chuyên sâu pháp luật chuyên ngành có mâu thuẫn, chồng chéo
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm quy pháp luật cho biết: Tổ công tác vừa có Báo cáo số 20/BC-TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động năm 2021 và đề xuất, kiến nghị đối với các hoạt động của Tổ công tác trong năm 2022.
Định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Tổ công tác dự kiến sẽ đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên Tổ công tác; bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện hệ thống pháp luật để tổ chức các hoạt động.
Ngoài việc theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành tổ chức rà soát và xử lý kết quả rà soát văn bản, Tổ công tác sẽ tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu một số lĩnh vực pháp luật có tính chất liên ngành; cho ý kiến độc lập đối với kết quả rà soát văn bản, các vấn đề pháp lý có tính chất liên ngành hoặc còn ý kiến khác nhau trong việc xác định nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp.
Cụ thể, Tổ công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được xác định trong Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, trong đó dự kiến tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
Tổ chức rà soát chuyên sâu đối với nhóm quy định pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản; nghiên cứu, rà soát, cho ý kiến độc lập đối với 32 nhóm (98 vấn đề) liên quan đến các luật trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tiếp tục tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc xử lý các văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 889/QĐ-TTg và việc xử lý kết quả rà soát văn bản của 05 nhóm quy định pháp luật đã thực hiện trong năm 2021.
2.000 kiến nghị, phản ánh của bộ, ngành, địa phương về quy định mâu thuẫn, chồng chéo
Kết quả rà soát cụ thể năm 2021, Tổ công tác đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu hơn 2.000 kiến nghị, phản ánh của bộ, ngành, địa phương về quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập, không phù hợp thực tiễn tại hơn 500 văn bản. Theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ xử lý theo thẩm quyền và tham mưu, kiến nghị xử lý đối với các văn bản quy phạm pháp luật được đề xuất tại Báo cáo số 442/BC-CP của Chính phủ, Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật chuyên sâu, Tổ công tác đã tập trung thực hiện rà soát theo 05 nhóm văn bản bao gồm: Quy định pháp luật về đất đai; các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19; các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước các tác động mạnh mẽ, dài hạn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quy định pháp luật về giáo dục, đào tạo (không bao gồm giáo dục nghề nghiệp); quy định pháp luật về quản lý giá và thẩm định giá; quy định pháp luật về chi phí trong hoạt động giám định tư pháp. Qua đó, phát hiện, kiến nghị và đề xuất xử lý đối với một số quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn.
Đề xuất phương án cụ thể các văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập
Năm 2021, công tác rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của Tổ công tác nói riêng tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch được Tổ công tác triển khai chủ động, tích cực, kịp thời, bài bản, khoa học và hiệu quả với các hình thức khác nhau phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Bộ Tư pháp với vai trò là Cơ quan thường trực của Tổ công tác đã kịp thời đôn đốc, kết nối, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, ngành tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành đã thực hiện rà soát văn bản nghiêm túc, có trách nhiệm.
Hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản bám sát mục đích, yêu cầu và phạm vi rà soát đã xác định. Qua rà soát, Tổ công tác đã phát hiện, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn. Đối với kết quả rà soát văn bản do các bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đề xuất phương án và xây dựng kế hoạch xử lý các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Việc theo dõi, đôn đốc rà soát văn bản và xử lý kết quả rà soát được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, bảo đảm công tác báo cáo, thông tin theo yêu cầu.
Tình trạng quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: Chất lượng công tác xây dựng pháp luật còn bất cập; nhiều vấn đề kinh tế, xã hội mới, phức tạp nảy sinh, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, yêu cầu cấp bách của việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và việc phát triển kinh tê-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội đã dẫn tới những bất cập, khoảng trống trong hệ thống pháp luật hiện hành; các văn bản ban hành sau đã bổ sung nhiều quy định mới để phù hợp hơn với thực tiễn đã tạo ra những quy định mâu thuẫn, chồng chéo tại các văn bản được ban hành trước đó; một số địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chưa hiểu rõ quy định pháp luật cũng như nguyên lý áp dụng pháp luật, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình tổ chức thực thi.
Lê Sơn