In bài viết

Đẩy mạnh thương mại tạo sức sống cho sản phẩm OCOP

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này có khoảng 10.000 sản phẩm OCOP. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, để tạo ra được các sản phẩm này đã khó nhưng đưa được ra thị trường còn khó hơn.

21/11/2023 18:24
Đẩy mạnh thương mại tạo sức sống cho sản phẩm OCOP- Ảnh 1.

Phiên livestream bán hàng các sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa - Ảnh: Agritrade

Giới trẻ tạo sức hút cho các sản phẩm OCOP

Mới đây, chợ phiên OCOP Thanh Hóa kéo dài 4 tiếng trên nền tảng mạng xã hội đã thu hút hơn 375.000 lượt người xem livestream, mang về 205 triệu đồng doanh thu và 1.000 đơn hàng OCOP.

Chiến dịch quảng bá đặc sản "Chợ phiên OCOP Thanh Hóa" được triển khai từ ngày 16 - 18/11/2023 với sự phối hợp của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade), Bộ NN&PTNT, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, và TikTok Việt Nam tổ chức.

Khởi động chiến dịch, các nhà sáng tạo nội dung tham gia chương trình đã có chuyến tham quan trải nghiệm các địa điểm du lịch địa phương cùng các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh tham quan các địa điểm du lịch địa phương, các nhà sáng tạo nội dung cũng được trải nghiệm một số cơ sở sản xuất tiêu biểu tại Thanh Hóa. Sau đó, các chủ thể OCOP địa phương cùng các đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã được tham gia chương trình tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn.

Tại đây, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin và kiến thức về kinh doanh trực tuyến, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trên nền tảng số thông qua các công cụ TikTok For Business.

Không chỉ tại tỉnh Thanh Hóa, với hình thức kết hợp này, những người trẻ tuổi có sức ảnh hưởng trong cộng đồng mạng đã chung tay phát triển thương mại các sản phẩm OCOP trên cả nước.

Tính đến quý 4/2023, đã có hơn 800 phiên bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội gắn logo Chợ phiên OCOP, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.

Với quy mô được đầu tư lớn cùng tần suất diễn ra đều đặn theo tuần, TikTok đã kết nối với hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng uy tín để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm, từ đó góp phần lan toả rộng rãi giá trị văn hóa vùng miền.

Hoạt động này có thể được coi là một trong những lời giải đáp cho suy tư của vị tư lệnh ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ ra cái khó của phát huy sản phẩm OCOP đó là đưa sản phẩm ấy ra thị trường và để sản phẩm tồn tại trong thị trường một cách bền vững.

"Từ một sản phẩm tồn tại trong thị trường đến một sản phẩm được tối ưu hóa giá thành, tạo ra sinh kế cho cộng đồng đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương. Các địa phương không chỉ có trách nhiệm chấm thẩm định mà quan trọng hơn là hỗ trợ người sản xuất đưa các sản phẩm đó có đến được thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cần lãnh đạo địa phương vào cuộc

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: "OCOP hiểu đúng nghĩa trong tiếng Việt là 'mỗi làng một sản phẩm'. Điều đó có nghĩa là một sản phẩm phải là của làng, của một cộng đồng".

Từ quan điểm này, Bộ NN&PTNT đang định hướng tới các địa phương để sản phẩm OCOP thực sự trở thành một kết tinh từ tài nguyên bản địa; từ công nghệ, kỹ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm.

Nhìn nhận về việc thương mại hóa các sản phẩm OCOP, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng: "Nếu cứ đếm số đầu sản phẩm OCOP mà không lượng hóa được có bao nhiêu sản phẩm được thị trường hóa thì chưa hiểu hết giá trị của kinh tế nông nghiệp. Quan trọng nó phải nằm ở trên cái kệ hàng và cũng không chỉ nằm một lần, mà phải nhân giá trị sản phẩm lên. Yêu cầu của kinh tế hàng hóa chính là phải luôn cải tiến. Có như thế thì người tiêu dùng mới thấy được cái mới, cái hấp dẫn của sản phẩm và không rời bỏ nó".

"Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề trong tiếp thị, giới thiệu quảng bá sản phẩm, đó là: làm sao lãnh đạo địa phương phải trở thành người đi tiếp thị sản phẩm cho bà con mình chứ không phải chỉ đóng vai trò phát động để bà con sản xuất, rồi bà con tự đi tìm kiếm thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng thị trường là chuyện rất khó đối với người tạo ra sản phẩm OCOP. Bởi người tạo sản phẩm OCOP là nông dân, mà nông dân thì đâu có dịp để đi đây đi đó, chỉ có lãnh đạo hay doanh nghiệp mới có thể mở rộng các mối quan hệ tiếp xúc, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra ví dụ, tháng vừa rồi, 7 đoàn của Nhật Bản đến Việt Nam, đoàn có vào Văn phòng Bộ NN&PTNT, mỗi người trong đoàn đem theo một đặc sản của quê hương mình để giới thiệu cho Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam.

"Tại sao họ phải đi bán hàng? Là vì họ nghĩ, đó chính là hình ảnh quê hương, hình ảnh đất nước. Hơn hết, họ luôn nghĩ cách để làm sao cho người nông dân sản xuất ra sản phẩm tự tin hơn khi có lãnh đạo hiểu, chia sẻ và đồng hành với họ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Đỗ Hương