In bài viết

Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp”.

12/11/2024 15:31
Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp” - Ảnh: VGP/HT

Dư nợ đạt gần 27 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh: Kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu.

Về phía NHNN và ngành ngân hàng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, NHNN đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

NHNN đã chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với một số nội dung chính như: Đối tượng vay vốn bao gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...

Các NHTM tự cân đối nguồn vốn để cho vay với lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM. Ngành ngân hàng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ; chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đến nay đã có kết quả vượt mục tiêu đề ra theo mục tiêu của Chính phủ.

Về kết quả, đến cuối tháng 8/2024, dư nợ cho vay đạt gần 27 nghìn tỷ đồng với trên 9.600 khách hàng còn dư nợ.

Doanh số cho vay trong 8 tháng năm 2024 đạt khoảng 15 nghìn tỷ đồng (doanh số năm 2022 khoảng 15 nghìn tỷ đồng, năm 2023 trên 20 nghìn tỷ đồng). Vốn tín dụng là một trong các nguồn lực quan trọng để người dân, doanh nghiệp (DN) đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế; góp phần đưa các nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh các chính sách riêng nêu trên, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng nói chung cũng như tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ nhất, thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng cung ứng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Thứ hai, điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành lãi suất theo hướng giảm mặt bằng lãi suất giúp giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, DN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng…

Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao- Ảnh 2.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Khẩn trương gỡ vướng

Việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các dự án nông nghiệp công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài; trong khi sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai (gần đây nhất, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp trên 30.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế).

Số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện nay còn hạn chế; nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả, thị trường tiêu thụ không ổn định..., nên các ngân hàng khó khăn trong thẩm định và quyết định cho vay...

Thời gian tới, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai một số chương trình cho vay như: chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; Chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng...

Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho rằng, cần có sự phối hợp của các bộ ngành liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính về: Quy hoạch, đánh giá, dự báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích mạnh mẽ hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử; tăng cường số hóa và ứng dụng kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp...

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng, Agribank cho biết, ngân hàng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó giúp khách hàng tiếp cận vốn vay kịp thời để phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, doanh số cho vay từ khi bắt đầu triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank đã đạt trên 35.000 tỷ đồng, với hơn 40.000 lượt khách hàng vay vốn (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại,...).

Còn ông Võ Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á cho biết, đến nay, ngân hàng đã tư vấn đầu tư và cấp tín dụng cho một thế hệ khách hàng phát triển bền vững, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và an sinh xã hội như nông - lâm - ngư nghiệp, dược liệu sạch, y tế và giáo dục… với nhiều dự án thành công như: Dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp lớn của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An; Dự án trồng và chiết xuất dược liệu sạch…

"Tín dụng xanh đang là xu thế và được khuyến khích nên sẽ có những ưu đãi, DN khi tiếp cận được nguồn vốn này sẽ được hưởng ưu đãi từ cơ chế chính sách và các gói tín dụng của ngân hàng, như: ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về thời gian vay và thời gian trả nợ", ông Võ Văn Quang chia sẻ.

Anh Minh