Hà Nội tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Ảnh minh họa: Minh Anh |
Theo đó, Hà Nội tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. UBND Thành phố đã giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu ban hành danh mục các trường thông tin thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu của Thành phố, định kỳ 6 tháng/lần trình UBND Thành phố quyết định cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh mục này.
Hà Nội tiếp tục triển khai hệ thống họp trực tuyến từ Thành phố đến các điểm cầu trực tuyến của 579 xã, phường, thị trấn; lắp đặt các trang thiết bị CNTT, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng chống dịch COVID-19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố tại nhiều quận, huyện.
Bên cạnh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm… được duy trì, khai thác hiệu quả, Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch, văn bản để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng, phát triển thương mại điện tử, triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử... Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mở rộng đối tượng khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch.
Tiếp tục duy trì Cổng Dịch vụ công TP. Hà Nội và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của Thành phố; tiếp tục triển khai cung cấp cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp 1.685 TTHC (gồm các dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành và các đơn vị tự triển khai) trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.217 TTHC, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 468 TTHC.
Việc giải quyết hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến các cấp trên Thành phố thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế). Hà Nội cũng đã tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai tích hợp tiếp các TTHC đảm bảo yêu cầu, điều kiện lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình và kế hoạch chung của Văn phòng Chính phủ.
Phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, 6 tháng cuối năm là thời gian để Hà Nội tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của cả năm 2021. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ cải cách TTHC, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; thực hiện nghiêm túc việc kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tiến tới bảo đảm công tác gửi nhận văn bản điện tử liên thông giữa 4 cấp hành chính.
Để hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, Hà Nội đã giao các sở, cơ quan tương đương sở căn cứ quy định về hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC và văn bản liên quan, thực hiện rà soát, đề xuất danh mục các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4; lập danh sách và lộ trình, phương án đề xuất triển khai gửi Sở TT&TT tổng hợp.
Hà Nội cũng sẽ tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử, số hóa kết quả giải quyết TTHC đang được quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy và lưu thông tin, dữ liệu đã được số hóa tại Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố.
Hà Linh