In bài viết

Đẩy mạnh việc tham gia công ước QT về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho NKT

(Chinhphu.vn) - Thực hiện Quyết định số 2528/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện và đề xuất gia nhập các công ước của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong lĩnh vực lao động-xã hội giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đánh giá về khả năng gia nhập Công ước số 159 của ILO về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật (NKT).

26/12/2017 10:04
Công ước số 159 được thông qua ngày 20/6/1983 tại Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế lần thứ 69 tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm mục đích bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội và đối xử với tất cả NKT, cở các khu vực thành thị và nông thôn, trong việc làm và trong sự hòa nhập vào cộng đồng. Công ước đưa ra các yêu cầu về phục hồi khả năng lao động và việc làm cho NKT, quy định việc điều chỉnh và đánh giá các tài liệu hướng dẫn nghề nghiệp, dạy nghề, bố trí việc làm và dịch vụ thất nghiệp cho NKT. Đến tháng 10/2017, đã có 83 quốc gia phê chuẩn công ước này.
Hiện cả nước có hơn 15.000 lao động là NKT
Công ước xác định mục đích của phục hồi chức năng lao động là tạo cho NKT có khả năng tìm được một việc làm phù hợp, duy trì lâu dài với công việc đó và thăng tiến với nó và nhờ đó thúc đẩy việc hòa nhập hoặc tái hòa nhập của cá nhân đó vào xã hội. Điều này cũng có nghĩa là công ước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phục hồi chức năng lao động bên cạnh việc phục hồi chức năng y tế, sức khỏe cho NKT. Theo đó, nếu NKT được phục hồi chức năng y tế, sức khỏe, song nếu họ không có khả năng tìm kiếm và duy trì việc làm thì việc hòa nhập hoặc tái hòa nhập của họ với xã hội khó có thể được bảo đảm thực hiện một cách bền vững và thực chất.

Theo Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, hiện cả nước có khoảng gần 2 triệu NKT trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động đang có việc làm,trong đó: số NKT làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 70% (số lao động là NKT làm công ăn lương chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chủ yếu là tự làm hoặc là lao động hộ gia đình, có khoảng 10% số NKT đã được đào tạo nghề theo các trình độ, nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Đặc biệt thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm có khoảng 20.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Hiện cả nước có hơn 15.000 lao động là NKT đang làm việc tại hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, hộ gia đình hoặc tự tạo việc làm.

Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 cũng đặt mục tiêu sẽ thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho 7.500 lượt lao động là người khuyết tật.

Việc gia nhập Công ước số 159 là sự tiếp tục khẳng định và triển khai thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với NKT. Chủ trương nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam là phát triển kinh tế phải gắn và đi song hành với công bằng xã hội, bảo đảm cho mọi người dân được bình đẳng về cơ hội. Những đối tượng yếu thế, trong đó có NKT, được hưởng sự bảo vệ, trợ giúp cần thiết để được bình đẳng thực sự trên thực tế về mọi lĩnh vực. Luật người khuyết tật năm 2010 đã thể hiện sự thay đổi nhận thức và cách tiếp cận quan trọng đối với NKT, từ cách thức tư duy nhìn nhận vấn đề NKT như việc nhân đạo, từ thiện sang tư duy về NKT trên cơ sở quyền con ngừoi. Trong lĩnh vực dạy nghề và việc làm, Luật đã có một chương riêng (chương V) đưa ra những quy định quan trọng, theo đó NKT được Nhà nước bảo đảm để được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho NKT phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho NKT và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Về việc làm. Luật xác định Nhà nước tạo điều kiện để NKT được phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của NKT. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của NKT. Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho NKT. Luật cũng đưa ra những quy định nhằm khuyến khích NKT tự tạo việc làm, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là NKT.

Cùng với việc phê chuẩn công ước Quốc tế về Quyền của NKT (CRPD) vào tháng 10/2014, việc gia nhập Công ước số 159 của ILO sẽ tiếp tục thể hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của NKT theo hướng tiếp cận dựa trên quyền, bình đẳng, thay đổi nhận thức từ việc coi NKT là người phụ thuộc thành việc coi họ là chủ thể có khả năng ra quyết định cho chính cuộc sống của mình, hòa nhập bền vững trong xã hội thông qua việc phục hồi chức năng lao động, khả năng có và duy trì việc làm của NKT. Đồng thời Việt Nam là thành viên của Tổ chức ILO, có nghĩa vụ thường xuyên xem xét và gia nhập các Công ước đã được ILO thông qua trên cơ sở phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Trong lĩnh vực quản trị thị trường lao động nói chung, chính sách việc làm nói riêng, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 122 của ILO về chính sách việc làm và hiện đang trong quá trình đề xuất gia nhập công ước số 88 về Tổ chức dịch vụ việc làm. Việc gia nhập Công ước số 159 góp phần thực hiện định hướng chiến lược của Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế thị trường lao động với sự ưu tiên đối với nhóm yếu thế là vấn đề phục hồi khả năng lao động, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NKT.

Tuấn Dương