Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thời gian tới ưu tiên việc trợ giá trực tiếp đối với người tham gia phương tiện vận tải công cộng - Ảnh VGP/Linh Đan |
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Đề án là một trong nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện đang giữ vai trò chủ đạo trong việc phục vụ người dân đi lại tại các đô thị nước ta, đặc biệt là đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Hiện tại cả nước có 54/63 tỉnh, thành có xe buýt hoạt động với 627 tuyến xe buýt, trong đó có 499 tuyến nội đô, 127 tuyến buýt kế cận, trên 8.000 xe buýt.
Nhà nước đã có kế hoạch đầu tư phát triển một số loại hình vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn như tầu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt vận chuyển khối lượng lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác.
Tuy nhiên, hiện nay và trong tương lai gần, khả năng đầu tư đưa các phương thức vận tải khối lượng lớn vào khai thác là chưa nhiều.
Nhằm bảo đảm triển khai tốt Đề án, tại hội nghị, nhiều tồn tại cũng đã được đại diện các Sở GTVT đưa ra, bao gồm công tác quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nói riêng chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Hiện tại mới chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số ít địa phương khác là có quy hoạch và định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng.
Việc triển khai các văn bản pháp luật cũng như các quy định của Bộ GTVT còn chưa linh hoạt, hầu hết các địa phương chưa chủ động xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Ngoài ra công tác kiểm tra, giám sát còn yếu và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm của lái xe, thiếu chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi các doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các quy định.
Một số đại biểu cho rằng, mấu chốt của vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay đặc biệt tại hai thành phố lớn chính là quy hoạch quỹ đất dành cho giao thông.
Theo Luật Đường bộ, quỹ đất dành cho giao thông phải đạt ở mức khoảng 26%, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đất dành cho giao thông tại hai thành phố lớn của cả nước mới đạt 7%. Do đó, nếu không được giải quyết được vấn đề quy hoạch đất cho giao thông thì sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Bộ GTVT vừa qua cũng đã có các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố và đề nghị các Sở GTVT cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương xây dựng quy hoạch.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trương là đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động xe buýt.
Ngoài các cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này sẽ có những cơ chế trợ giá. Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh, thời gian tới ưu tiên việc trợ giá trực tiếp đối với người tham gia phương tiện vận tải công cộng nhằm khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng phương tiện này nhiều hơn.
Để thuận tiện cho người dân tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới các loại phương tiện thân thiện với môi trường, hoạt động vận tải hành khách công cộng cũng sẽ được khuyến khích áp dụng công nghệ tự động hoá trong quản lý hoạt động, tổ chức bán vé, kết nối các loại hình vận tải.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu, các kiến nghị thuộc trách nhiệm của bộ GTVT sẽ được tập hợp và xử lý ngay trong tháng 6 này. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của các địa phương, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ tổng hợp sớm để Bộ có văn bản chuyển cho các địa phương giải quyết. Ngoài ra, các kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý Chính phủ cũng sẽ sớm được Bộ tổng hợp trình lên Chính phủ triển khai Đề án 280 đạt hiệu quả cao.
Linh Đan