Ảnh minh họa |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở là chương trình dạy học tiếng dân tộc thiểu số dành cho môn học tự chọn, áp dụng đối với học sinh dân tộc Khmer ở Việt Nam có nhu cầu học tiếng Khmer.
Việc dạy và học tiếng Khmer ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Khmer, mở rộng hiểu biết về văn hóa của người Khmer Nam Bộ, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc và ý thức công dân Việt Nam; góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của người Khmer Nam Bộ.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, hình thành ở học sinh các kĩ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết tiếng Khmer trên cơ sở học âm vần và thực hành giao tiếp văn bản; thông qua thực hành ngôn ngữ, cung cấp cho học sinh kiến thức sơ giản về tiếng Khmer, những hiểu biết ban đầu về con người, cuộc sống và văn hóa của người Khmer Nam Bộ và các dân tộc khác ở Việt Nam; hình thành thái độ học tập tiếng Khmer tích cực; bồi dưỡng tình cảm trân trọng đối với ngôn ngữ, văn hoá của người Khmer Nam Bộ.
Ở cấp trung học cơ sở, củng cố và phát triển ở học sinh các kỹ năng sử dụng tiếng Khmer, trong đó chú trọng kỹ năng đọc và viết; thông qua rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, cung cấp kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách của tiếng Khmer; mở rộng hiểu biết về con người, cuộc sống, văn hóa của người Khmer Nam Bộ và các dân tộc khác ở Việt Nam và trên thế giới; hình thành ý thức giữ gìn, phát triển ngôn ngữ và văn hoá của người Khmer Nam Bộ trong bối cảnh đa dạng văn hoá ở Việt Nam.
Cấu trúc chương trình
Theo dự thảo, Chương trình dạy theo bộ chữ cổ truyền của dân tộc Khmer. Chương trình được biên soạn và ban hành theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Chương trình thiết kế thành 7 năm học, dùng cho cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở. Bảy năm học chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Năm thứ nhất và Năm thứ hai với mục tiêu học sinh đạt kỹ năng nghe, nói vững chắc; đạt kỹ năng đọc, viết cơ bản.
- Giai đoạn 2: Năm thứ ba và Năm thứ tư với mục tiêu học sinh đạt kỹ năng nghe, nói thành thạo; đạt kỹ năng đọc, viết vững chắc.
- Giai đoạn 3: Năm thứ năm, Năm thứ sáu và Năm thứ bảy với mục tiêu học sinh đạt kỹ năng đọc, viết thành thạo.
Theo dự thảo, cơ sở giáo dục có khả năng bố trí thời gian thực hiện chương trình môn Tiếng Khmer đảm bảo dung lượng thiết kế là 140 tiết/năm học. Cấp tiểu học thực hiện hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2, cấp trung học cơ sở thực hiện hoàn thành giai đoạn 3 của chương trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Tuệ Văn