Đại biểu lo lắng mất cân đối với các địa phương khác
Mở đầu phiên thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, nghị quyết này là sự thể chế hóa Kết luận 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, qua đó để Thành phố phát triển xứng đáng với vai trò, vị trí, tiềm năng và lợi thế của cả vùng Tây Nguyên.
Đề cập đến một số ưu đãi cụ thể, đại biểu cho rằng, về ưu đãi thuế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn một số mặt chưa hợp lý là miễn giảm khác biệt, thời gian áp dụng khá dài, có thể mất cân đối và chưa công bằng với các địa phương khác trong địa bàn Tây Nguyên và chính các huyện trong tỉnh Đắk Lắk.
"Tôi lo lắng điều này sẽ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh khi một số doanh nghiệp bán phá giá sản phẩm, chuyển giá, trốn thuế", đại biểu bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết thí điểm này có căn cứ chính trị và pháp lý với cơ chế, chính sách khá đầy đủ. Các cơ chế, chính sách mà Thành phố "xin" như đầu tư từ Nhà nước, nguồn lực xã hội, thời gian chủ động, linh hoạt, cơ chế thu hút tài năng đặc biệt đều được Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột nêu rõ.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần rà soát các dự án có tính kết nối, lan tỏa trong vùng để khi có cơ chế tài chính sẽ thực hiện được ngay. Nhưng cũng cần khống chế việc điều chỉnh cục bộ tràn lan để không làm mất không gian và cảnh quan của TP. Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, rà soát kỹ các lĩnh vực ưu đãi đầu tư để bảo đảm công bằng với các tỉnh trong khu vực, nhất là đối với sản phẩm cà phê, bởi các tỉnh trong khu vực đều có thương hiệu cà phê riêng.
Về thu hút tài năng cho Thành phố, việc miễn thuế thu nhập cá nhân chưa thực sự hấp dẫn, mà điều cần thiết là cơ chế và môi trường làm việc tự chủ, sáng tạo để họ cống hiến. Vì vậy, cần phải có tiêu chí "thế nào là tài năng đặc biệt" để phân biệt với một số người khác mà không làm cho họ cảm thấy bị đối xử không công bằng.
Còn đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đặt vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù của TP. Buôn Ma Thuột có điểm gì thực sự đặc thù.
Theo đại biểu, cải cách thể chế và cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược nhưng chưa thấy nói đến "cơ chế đột phá về cải cách hành chính, dịch vụ công" để khơi dậy nguồn lực mạnh mẽ thu hút đầu tư đối với địa bàn này.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình ban hành Nghị quyết thí điểm này để Buôn Ma Thuột phát triển xứng tầm với đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết này quy định những chính sách có tính "tương đồng" với các chính sách của các tỉnh, thành phố khác mà Quốc hội đã ban hành.
Vì thế, đại biểu kiến nghị nên ban hành cơ chế đặc thù với cả tỉnh Đắk Lắk, trong đó có quy định về cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho TP. Buôn Ma Thuột.
Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị xem xét và cụ thể hóa các quy định, để không xảy ra xung đột với chính sách khác. Đồng thời, cần mở rộng chính sách ưu đãi này ra vùng phụ cận đối với một số sản phẩm nông sản khác không chỉ có cà phê, vì cà phê có ở các tỉnh Tây Nguyên, không chỉ riêng ở Buôn Ma Thuột.
Đề nghị mở rộng các chính sách ưu đãi về khác về đầu tư công, đất đai, lâm sản
Để góp phần hoàn thiện chính sách, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhìn nhận, cơ chế và chính sách đặc thù mà Quốc hội dành cho TP. Buôn Ma Thuột chưa tương xứng. Vì thế, cần bổ sung thêm một số chính sách mới như chính sách ưu đãi về đầu tư công, chính sách thu hút đất đai để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Việc cho phép tỉnh Đắk Lắk được vay phát hành trái phiếu nhưng tỷ lệ lại thấp hơn so với các tỉnh khác, chưa tạo sự đột phá cho thành phố này. Về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đại biểu đề nghị tập trung ưu đãi cho chế biến sâu cà phê cho các tỉnh và vùng. Trong khi đó, ưu đãi thu hút tài năng đặc biệt nhưng mới ưu đãi về miễn thuế thu nhập cá nhân là quá ít ỏi, chưa có sức thu hút.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đề nghị cần bổ sung một số chính sách nữa để tạo đột phá cho TP. Buôn Ma Thuột phát triển như chính sách đặc thù cao nhất để Thành phố trở thành trung tâm công nghệ cao chế biến các sản phẩm từ rừng và lâm sản.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm một số vấn đề như đây là lần đầu tiên Chính phủ trình cơ chế, chính sách đặc thù đối với cấp huyện, là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Điều này, đòi hỏi cơ chế chính sách đặc thù này phải phù hợp với căn cứ chính trị và pháp lý, cũng như không phá vỡ chính sách chung hiện hành.
Bộ trưởng ghi nhận những ý kiến của đại biểu đề nghị có chính sách mạnh mẽ hơn cho TP. Buôn Ma Thuột để tận dụng hết lợi thế so sánh, vị trí trung tâm của Thành phố. Do đó, cần mở rộng chính sách đặc thù ưu đãi rộng hơn nhưng cũng có biện pháp để không xảy ra trốn thuế, bảo đảm quốc phòng an ninh…
Để bảo đảm chính sách ưu đãi này đi vào cuộc sống, Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ đã và đang xây dựng Chương trình hành động sau khi Nghị quyết thí điểm này được Quốc hội thông qua với các chương trình, dự án cụ thể.
Đồng thời, căn cứ vào Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên, Chính phủ cũng sẽ sớm xây dựng cơ chế phát triển cho cả vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.
Quá trình tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách này đối với TP. Buôn Ma Thuột sẽ được Chính phủ và các bộ ngành sẽ theo dõi và có đề xuất kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả để cơ chế đặc thù này phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
Lê Sơn