Kỳ 1: Chuyển hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
Là vùng có đất đai phì nhiêu, là nơi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất nhưng GDP bình quân đầu người của vùng ĐBSCL vẫn thấp hơn trung bình của cả nước. Sạt lở đất, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, ngập lụt trong đô thị, nội ô thành phố… là những vấn đề lớn mà ĐBSCL đã và đang phải đối mặt.
Trong đó, nông nghiệp thâm canh lúa trong một thời gian dài là trung tâm của nhiều vấn đề, vì thế, cần phải chuyển hướng nền nông nghiệp để phát triển bền vững.
Thâm canh 3 vụ lúa/năm đã khiến ĐBSCL trả giá bằng môi trường ô nhiễm, đất đai suy kiệt. |
Những nghịch lý của nước
Từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập sâu vào nhiều tuyến sông, kênh rạch ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre gây thiếu nước ngọt sinh hoạt, khiến người dân phải mua nước sạch với gia lên tới 51.000 đồng/m3. Theo lý giải của ngành chức năng, do các nhà máy nước phải thuê sà lan đến khu vực đầu nguồn phía thượng lưu sông Tiền chở nước ngọt thô về nhà máy xử lý rồi cung cấp cho người dân nên giá thành bị đội lên cao.
Theo dự báo, tình hình hạn mặn ở Bến Tre tiếp tục kéo dài đến hết tháng 3, tháng 4 tới. Từ mùa khô năm 2019-2020, toàn tỉnh Bến Tre cũng bị xâm nhập mặn, hơn 80.000 hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, khiến nhiều nơi, người dân phải mua nước ngọt với giá 150.000-200.000 đồng/m3.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020 nhưng vẫn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3, riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, tháng 4, sau đó giảm dần.
Tình trạng sạt lở bờ sông cũng đang báo động trong toàn vùng ĐBSCL. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – Trần Anh Thư cho biết, trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra đã xảy ra 61 điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 3.332m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà phải di dời khẩn cấp, tăng 13 điểm so với năm 2019, ước tính tổng thiệt hại 7,3 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 5 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn hai huyện. “Tình hình sạt lở ngày càng gia tăng về quy mô, tần suất và lan rộng ra sạt lở ở các kênh rạch nội đồng cũng hết sức nghiêm trọng”, ông Trần Anh Thư nói.
Bên cạnh đó còn nhiều hệ lụy phát sinh từ nội tại sản xuất của vùng ĐBSCL như hệ thống đê bao khép kín để canh tác thâm canh 3 vụ lúa/năm. ĐBSCL đã hình thành hệ thống đê và bờ bao với tổng chiều dài khoảng 13.000 km, trong đó có 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa vụ Hè-Thu. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái vùng ĐBSCL cho biết, do đê bao khép kín không xả cho nước lũ, kèm theo là phù sa và tài nguyên thủy sản vào ruộng đồng đã làm cho đất đai bị suy kiệt, tăng chi phí canh tác.
“Các vùng đê bao khép kín ở vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười đã giảm môi trường không gian hấp thu lũ vào mùa nước nổi hàng năm. Trong khi đây là 2 “túi nước” điều hòa của tự nhiên làm giảm và ngăn chặn xâm nhập mặn trên các sông rạch vào mùa khô hạn giúp cân bằng mặn-ngọt vào mùa khô cho vùng ven biển. Mặt khác, đê bao đã ngăn chặn đường đi của nước lũ nên gây tăng ngập ở các thành phố, đô thị, trong khi ruộng đồng thì không có nước. ĐBSCL mỗi năm sản xuất 25 triệu tấn lúa nhưng cũng đồng thời sử dụng 3 triệu tấn phân bón và nửa triệu tấn nông dược làm cho sông ngòi bị ô nhiễm nặng nề dẫn đến khai thác nước ngầm gây sụt lún đất.”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nói.
Sạt lở bờ sông ở ĐBSCL ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong ảnh: Sạt lở quốc lộ 91 ở An Giang. |
Chuyển hướng nền nông nghiệp
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ, trước khi Nghị quyết 120/NQ-CP được ban hành thì ngành nông nghiệp của TP Cần Thơ cũng đã có những bước đi đúng hướng. Từ sau khi Nghị quyết 120/NQ-CP ban hành, ngành nông nghiệp của thành phố càng tích cực chuyển mình.
Triển khai Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp TP Cần Thơ, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp thành phố đã khuyến khích mở rộng các mô hình canh tác cây trồng trên cạn, trên nền đất lúa kém hiệu quả, vừa tranh thủ được thời gian sản xuất vừa còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn sự phát triển của một số dịch bệnh trên cây lúa, tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Trong giai đoạn 2018 - 2020 đã chuyển đổi được 4.267 ha các loại cây trồng như lúa chuyển sang trồng mè, trồng bắp, dưa hấu và rau các loại. “Với những chương trình đã và đang thực hiện, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao khả năng thích nghi, tận dụng được cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển triển nền nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, bền vững”, ông Trần Việt Trường tin tưởng.
Tỉnh An Giang cũng tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi sản xuất để thích nghi với điều kiện thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 25 ngàn ha từ lúa sang rau màu và cây ăn trái, thực hiện cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả sang cây trồng mới theo hướng chuyên canh, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, tổng diện tích cây lâu năm khoảng 19 ngàn ha, trong đó, có hơn 13 ngàn ha đang cho sản phẩm. Đặc biêt, các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với mô hình sản xuất lúa ba vụ hiện nay.
Theo người dân, lợi nhuận sản xuất 3 vụ lúa/năm trung bình quân từ 40 triệu – 45 triệu đồng/ha. Còn mô hình sản xuất các loại rau ăn lá có lợi nhuận từ 120 đến 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình cây ăn trái sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu cũng mang lại lợi nhuận gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa. ”Điển hình như mô hình trồng nhãn mang lại lợi nhuận từ 500 đến 600 triều đồng/ha sau 2 năm. Mô hình trồng bưởi đạt 700 đến 800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư dẫn chứng.
Kết quả, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn An Giang năm 2020 đạt 49 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng so với 2015); giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2020 đạt 192 triệu đồng/ha (tăng 63 triệu đồng so với năm 2015).
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, bên cạnh những vấn đề về đầu tư cải thiện đường giao thông, hệ thống logistics, nếu giải quyết đúng vấn đề trọng tâm là chuyển hướng nền nông nghiệp thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề của đồng bằng. Chuyển hướng nông nghiệp không nên chỉ là “tái cơ cấu” một cách cơ học, thay đổi cây trồng vật nuôi mà nên là một cuộc cách mạng về nông nghiệp mang tính chuyển hóa.
Nền nông nghiệp cần chuyển sang hướng giảm thâm canh, tập trung chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, đa dạng hóa thị trường, phát huy sinh kế khác thay thế cho vụ lúa mùa lũ vùng ngập sâu và vụ lúa mùa khô vùng ven biển, tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước ngọt, mặn, lợ đều là tài nguyên.
Kỳ tiếp: Thuận thiên - Những thực tiễn sinh động
Quốc Dũng