In bài viết

Đề án 06 tiếp tục được thực hiện quyết liệt

(Chinhphu.vn) - Công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt.

25/02/2023 12:55
Đề án 06 tiếp tục được thực hiện quyết liệt - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ báo cáo kết quả tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 25/2, tại Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Đề án 06 từ sau Hội nghị sơ kết 1 năm đến nay.

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ: Từ sau Hội nghị sơ kết 1 năm đến nay, công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt.

Cụ thể: Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết chỉ đạo triển khai Đề án. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành vào ngày 10/2/2023 để chỉ đạo, triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác đã chủ trì họp giao ban Tổ công tác tháng 1/2023 và tháng 2/2023 (ngày 24/2), chỉ đạo tập trung rà soát và thống nhất 101 nhiệm vụ của các bộ, ngành, 18 nhiệm vụ của các địa phương thực hiện Đề án 06 năm 2023, đồng thời, triển khai các giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải hoàn thành, không để thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023 làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án.

Đối với 7 nhiệm vụ cụ thể giao Bộ Công an thực hiện, đến nay, đã hoàn thành 5/7 nhiệm vụ, cụ thể: Báo cáo đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia, báo cáo Chính phủ cho chủ trương tại Phiên họp thường kỳ tháng 1/2023, đã tổ chức 02 Hội thảo với chuyên đề về "Dữ liệu, an ninh an toàn trong chia sẻ dữ liệu" và "Xây dựng hạ tầng cơ bản, hạ tầng vỏ trạm, quy hoạch và phát triển cơ sở dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia". 

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai 02 nhóm dịch vụ công liên thông: "Đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí" vào ngày 6/2. 

Tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 năm 2023 và những năm tiếp theo, với 18 nhóm nhiệm vụ chung, 46 nhóm nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và 8 nhiệm vụ riêng của địa phương; đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc cập nhật dữ liệu thuê bao di động vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ đưa báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 tháng 1/2023, nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2023 vào thảo luận tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023. Ban hành Quyết định kiện toàn thành viên Tổ công tác triển khai Đề án với 5 đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.  

Về hoàn thiện thể chế, Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngày 7/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định. Thông qua nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung dự thảo Nghị định, Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ quốc hội. Đến nay, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để Chính phủ hoàn thiện, ban hành.

Hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được cấp

Về dịch vụ công, tính đến ngày 23/2, có hơn 178 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có hơn 8 triệu hồ sơ trực tuyến. 

Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; một số dịch vụ tỉ lệ trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông... đã tích hợp VNeID trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ.

Tính đến ngày 23/2, thu nhận hơn 21 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, trong đó phê duyệt hơn 20 triệu hồ sơ; có khoảng 4,5 triệu tài khoản kích hoạt, tiếp tục phát triển các tiện ích trên VNeID theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đã có 128.855 lượt khai báo thông tin lưu trú từ 29.110 công dân; có 803 tin phản ánh về an ninh, trật tự từ 501 công dân qua VNeID). Đã cấp hơn 78 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân...; nền tảng căn cước công dân gắn chip đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật…

Từ việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, đã triển khai, kết nối, chia sẻ với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 60 địa phương. Tiếp tục hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 3 nhà mạng viễn thông: Viettel, Mobifone, Vinaphone…

Việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip giúp công dân giảm được các thủ tục hành chính, không phải mang theo giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giảm chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan (như chi phí sao y chứng thực sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy); giúp cơ quan nhà nước giảm chi phí để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, giảm thiểu tình trạng "tham nhũng vặt"…

Phương Liên