In bài viết

Đề án BV vệ tinh: Những "trái ngọt’ đầu tiên

(Chinhphu.vn) - Hàng trăm kỹ thuật khó đã được các bệnh viện (BV) hạt nhân chuyển giao cho BV tuyến dưới, không chỉ góp phần giảm quá tải cho các BV tuyến Trung ương mà còn giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại nơi sinh sống.

06/10/2016 16:59
Đề án BV vệ tinh không chỉ chuyển giao kỹ thuật, mà còn hỗ trợ trang thiết bị hiện đại cho BV tuyến dưới

Trúc trắc ban đầu và việc ‘gỡ khó’ của Chính phủ

Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế với mục tiêu hình thành và phát triển mạng lưới BV vệ tinh (gồm một số BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) về các chuyên khoa hiện tại đang quá tải trầm trọng.

Đồng thời, chương trình cũng nhằm mục tiêu giảm ít nhất 15% tỷ lệ chuyển tuyến của bệnh nhân từ BV vệ tinh lên BV hạt nhân so với trước khi thực hiện Đề án; 100% BV hạt nhân thực hiện việc chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về BV vệ tinh, giúp rút ngắn thời gian điều trị trung bình tại BV hạt nhân.

Hiện nay, cả nước đang có 22 BV hạt nhân với 98 BV vệ tinh, 10 chuyên ngành, gồm: Nội, ngoại-chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc thuộc Đề án nói trên.

Thời gian đầu thực hiện Đề án, không ít BV hạt nhân và BV vệ tinh “chưa mặn mà”, nguyên nhân là do lợi ích mang lại cho họ không nhiều, nhất là nguồn lực đầu tư. Nhiều BV đã tham gia Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2015, nhưng chưa được cấp đủ kinh phí, đầu tư trang thiết bị, bố trí đủ nhân lực để bảo đảm điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ BV tuyến trên.

Trước thực trạng trên, ngày 11/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường các giải pháp giảm quá tải BV, mở rộng mạng lưới BV vệ tinh, trong đó yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các BV.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan chú ý bố trí nguồn vốn đầu tư, xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho các BV vệ tinh đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các BV hạt nhân; có chính sách ưu tiên thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng làm việc lâu dài tại các cơ sở khám, chữa bệnh của địa phương.

Với sự hỗ trợ của BV Việt Đức, các bác sĩ BVĐK Phú Thọ đã thực hiện được ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6/2015. Ảnh: BVĐK Phú Thọ

Những ‘trái ngọt’

Sau khi được Chính phủ ‘gỡ khó’, việc thực hiện Đề án đã có sự chuyển mình và bứt phá rõ rệt.

Theo đó, hàng trăm kỹ thuật khó đã được các BV hạt nhân chuyển giao cho BV tuyến dưới. Các BV vệ tinh cũng nhanh chóng áp dụng thành công các kỹ thuật này, góp phần không nhỏ cho công tác giảm quá tải tại các BV tuyến Trung ương, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại nơi mình sinh sống.

Câu chuyện tại BVĐK tỉnh Phú Thọ là một trong những ví dụ sinh động.

BVĐK tỉnh Phú Thọ là BV hạng I và là cơ sở khám chữa bệnh lớn nhất trong các tỉnh trung du miền núi phía bắc với quy mô 1.480 giường bệnh, mỗi ngày tiếp đón 1.000-1.200 người bệnh ngoại trú, 1.300-1.400 người bệnh nội trú. Trong quá trình thực hiện Đề án BV vệ tinh, đã có hơn 200 kỹ thuật khó thuộc 5 chuyên khoa, gồm: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi được 18 BV hạt nhân chuyển giao cho BV.

Hiện nay, BV đã triển khai thành công 100% các dịch vụ kỹ thuật loại I và trên 46% dịch vụ kỹ thuật loại đặc biệt. Một trong những bước tiến mới trong công tác khám chữa bệnh của BVĐK tỉnh Phú Thọ là triển khai thành công kỹ thuật ghép thận, điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần. Hiện BV đang chuẩn bị các điều kiện để thực hiện phẫu thuật tim hở trong năm 2016.

Ở các địa phương khác, sự chuyển biến trong thực hiện Đề án cũng khá rõ rệt.

Chẳng hạn, Viện Tim mạch Việt Nam (BV Bạch Mai) đã giúp 6 BV tuyến tỉnh, gồm BVĐK các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai và BV Saint Paul (Hà Nội) triển khai các kỹ thuật mới như đặt nội khí quản, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, chọc dịch màng tim, màng phổi, màng bụng, sốc điện cấp cứu ngừng tuần hoàn và xử lý các rối loạn nhịp tim, chụp mạch và đặt stent động mạch vành.

Với chuyên khoa ung bướu, sau khi triển khai Đề án, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã khánh thành cơ sở 3 BV K với quy mô 1.000 giường bệnh.

Một số tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động khoa ung bướu hoặc BV ung bướu như: Khoa ung bướu BVĐK các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang; BV Bãi Cháy, BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), BV Quân y 175 TPHCM; Trung tâm Ung bướu BVĐK Trung ương Thái Nguyên, BV ung bướu Nghệ An... Tại TPHCM, BV Ung bướu đã mở khoa vệ tinh tại BV Quận 2 với quy mô 200 giường bệnh. Ngoài ra, BV Chợ Rẫy đã đưa vào hoạt động trung tâm ung bướu.  

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm qua, số giường bệnh chuyên ngành ung bướu đã tăng thêm trên 2.000 giường bệnh.

Riêng chuyên khoa ngoại-chấn thương, dưới sự chuyển giao kỹ thuật, các BV vệ tinh, kể cả BV ở các tỉnh miền núi kinh tế còn khó khăn, cũng đã làm chủ được nhiều kỹ thuật loại 1 và loại đặc biệt.

Nhờ làm chủ được những kỹ thuật cấp cứu cơ bản ngoại khoa mà BVĐK tỉnh Lào Cai đã sơ cứu, cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân trong vụ tai nạn xe khách ở Sa Pa (Lào Cai).

BVĐK tỉnh Lai Châu - một BV vùng sâu, vùng xa, trang thiết bị mỏng, sơ sài, nhân lực thiếu, nhưng đến nay cũng đã tự giải quyết được những ca cấp cứu rất cơ bản trong chấn thương. Ví dụ như vụ sập cầu Chu Va ở xã Xuân Bình, huyện Tam Đường, các bệnh nhân đã được các y, bác sĩ cấp cứu kịp thời, giảm được thấp nhất tỷ lệ tử vong. Khi đoàn công tác BV Việt Đức lên đến nơi, hầu hết các bệnh nhân đã được phân loại và qua được giai đoạn nguy hiểm.

Đề án BV vệ tinh tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, về kinh phí đầu tư các trang thiết bị hiện đại… nhưng với những thành quả bước đầu nói trên, Đề án đã nâng cao năng lực và chất lượng điều trị của các BV tuyến dưới, góp phần giảm quá tải cho các BV tuyến Trung ương.

Trong thời gian tới, với sự chung tay của các bộ, ngành chức năng, cùng với quyết tâm của cả BV hạt nhân lẫn BV vệ tinh, Đề án này sẽ bội thu quả ngọt.

Hà Anh