Chiều ngày 15/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023, đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đề án chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2024-2025): Tập trung vào 200.000 ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Giai đoạn 2 (2026-2030): Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Báo cáo sau một năm triển khai Đề án, Bộ NN&PTNT cho biết đã cùng các bộ, ngành và các địa phương tham gia Đề án cơ bản ban hành đủ các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện, trong đó có Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL và Kế hoạch đo đếm kết quả giảm phát thải để công bố hệ số giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo tầm quốc gia.
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án, Bộ đã lựa chọn, xây dựng vùng tham gia Đề án, xây dựng các mô hình thí điểm theo quy trình kỹ thuật.
Hiện 7 mô hình thí điểm được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè - Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực.
Cụ thể, giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30-40% lượng nước tưới); tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha); tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 3-5 tấn CO2 tương đương trên một ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200-300 đồng/kg thóc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết kết quả đạt được các mô hình thí điểm đã tạo khích lệ lớn cho các hộ nông dân và HTX tin tưởng và tiếp tục tích cực tham gia Đề án.
Trên cơ sở triển khai các mô hình thí điểm, Bộ đã phối hợp với các địa phương và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Lúa gạo Quốc tế (IRRI) xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các quy chuẩn quốc tế, để có cơ sở khoa học, áp dụng đo đạc cho toàn diện tích tham gia Đề án.
Với kết quả bước đầu khả quan của các mô hình thí điểm, với sự phấn khởi và đồng tình ủng hộ của nhiều hộ nông dân, HTX trồng lúa trong khu vực, Bộ đã thống nhất chủ trương với các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải trên toàn bộ 12 tỉnh và áp dụng ngay trong vụ Thu-Đông 2024 và Đông-Xuân 2024-2025.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, với khoảng 620 HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị và gần 200.000 hộ nông dân trong vùng thực hiện Đề án.
Hiện Bộ NN& PTNT đã phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia Đề án; tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất tại vùng chuyên canh, tập trung nguồn lực để đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Về huy động nguồn lực để triển khai Đề án, đáng chú ý, ngay từ cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT đã đề xuất dự án "Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL" vay vốn Ngân hàng Thế giới, với trị giá 430 triệu USD, trong đó 330 triệu USD vốn vay và 100 triệu USD vốn đối ứng, tập trung cho giai đoạn 2026-2027.
Ngoài các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận và hoàn thành dự thảo Chương trình tín dụng cho vay liên kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trình Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.
Trong giai đoạn 2025-2027, cần huy động khoảng 20.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD) từ vốn đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, bao gồm vốn lưu động để mua sắm vật tư, thu mua lúa gạo và vốn đầu tư cho máy cơ giới, trang thiết bị cho bảo quản, chế biến, xây dựng hệ thống kho và logistics trong quá trình triển khai Đề án.
Để huy động được vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa này, cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD) từ các ngân hàng thương mại.
Theo Bộ NN&PTNT, đây là Đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu hé-ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.
Đồng thời, Đề án cũng nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, nên đã tạo sự khích lệ rất lớn đối với nông dân và doanh nghiệp đang tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, về khó khăn, thách thức, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn, các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo về cơ chế chính sách, phương pháp triển khai, cách thức tổ chức và huy động nguồn lực.
"Người nông dân đã quen với phương thức canh tác lúa truyền thống thiếu bền vững, thiếu liên kết; do vậy, cần tuyên truyền phổ biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực, được tiếp cận với mô hình trình diễn cụ thể đi kèm với sự hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực để tạo động lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật được đảm bảo mới có thể thay đổi tư duy sản xuất của nông dân", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nói.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cho tưới tiêu chủ động chưa được đảm bảo đồng bộ trên quy mô vùng. Việc huy động nguồn lực đầu tư hiện nay chưa theo kịp tiến độ triển khai Đề án…
Để bổ sung nguồn lực kịp tiến độ triển khai của Đề án và đáp ứng các yêu cầu tiến độ của nhà tài trợ, Bộ NN&PTNT nêu một số đề xuất, trong đó có thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới để thực hiện Đề án; thí điểm chính sách chi trả dựa trên kết quả và chuyển giao tín chỉ carbon của sản xuất lúa giảm phát thải…
Hà Văn