![]() |
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của Bộ GDĐT, cơ bản các tỉnh, thành phố đều có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cố gắng tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ có trình độ đạt chuẩn; có kế hoạch đầu tư trang thiết bị dạy học ngoại ngữ… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều bất cập tại khối các trường ĐH, CĐ tham gia đề án.
Cụ thể trong năm 2014, nhiều trường cơ cấu phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ không phù hợp, đầu tư mua sắm thiết bị quá nhiều dẫn đến không còn kinh phí triển khai nhiệm vụ khác. Đơn cử như Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Quảng Ninh mua tới 1 tỷ/2 tỷ đồng được phân bổ; CĐSP Điện Biên mua hết 1,4/2 tỷ đồng kinh phí; CĐSP Thừa Thiên-Huế mua thiết bị đến 1,5 tỷ/2 tỷ đồng; Đại học Quảng Bình mua hết 1,17/2 tỷ đồng...
Một số trường lại quá chú trọng bồi dưỡng giáo viên ở nước ngoài so với bồi dưỡng ở trong nước và các nhiệm vụ khác. Ví dụ ĐH Tiền Giang dành tới 900 triệu đồng/2 tỷ đồng để kinh phí được rót để cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Đó là chưa kể một số trường đề ra kế hoạch thực hiện rất chung chung, không có mục tiêu cụ thể. Không tiến hành tổng kết, đánh giá để từ đó rút kinh nghiệm cho định hướng nhiệm vụ triển khai tiếp theo trong thời gian tới.
Tại Hội nghị giao ban Đề án ngoại ngữ quốc gia sáng 15/4, hầu hết các Sở GDĐT, các trường đều kêu thiếu kinh phí để triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020. Các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... phàn nàn về chuyện đã ít giáo viên đạt chuẩn lại thiếu tiền nên công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ càng khó khăn hơn. Ngay cả sau khi đã cử đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ song Cao Bằng cũng chỉ có 15 giáo viên đạt chuẩn.
Mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia nhằm đổi mới quá trình dạy học ngoại ngữ, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ theo mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của Đề án Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Qua đó hình thành những đơn vị nòng cốt trong việc đổi mới dạy ngoại ngữ ở cấp học và trình độ đào tạo. Giới thiệu nhân rộng mô hình điển hình, hình thành mạng lưới cơ sở GDĐT có thể liên kết, hỗ trợ nhau phát triển về mọi mặt nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng. Trong năm 2014, căn cứ 10 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và ngân sách được cấp từ chương trình mục tiêu quốc gia cho Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, BQL Đề án sẽ phổi hợp với các tỉnh/thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới việc dạy và học tiếng Anh nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. |
Cá biệt, tỉnh Hải Dương không phải thiếu mà thừa kinh phí bồi dưỡng giáo viên nhưng lại gặp tình trạng giáo viên sau nhiều lần bồi dưỡng vẫn không đạt chuẩn. Tỉnh Hải Dương chỉ có 37% giáo viên sau bồi dưỡng nâng được 1 bậc so với ban đầu. Một số giáo viên sau nhiều lần học lại thi lại thì nản, dù không phải đóng học phí nhưng vẫn không hào hứng. Trong khi Hải Phòng phải vận động giáo viên bỏ tiền túi ra để thi chứng chỉ.
Công tác quản lý của từng địa phương cũng khác nhau, có nơi thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án (với sự tham gia của các sở) song có tỉnh lại giao toàn bộ đề án cho Sở GDĐT hoặc KH-ĐT, cách quản lý khác nhau khiến các danh sách trình lên bị chậm hoặc không được phê duyệt.
Các Sở GDĐT cũng kiến nghị Bộ hỗ trợ tài liệu giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh, giới thiệu các phần mềm ứng dụng trong dạy và học ngoại ngữ; nghiên cứu giảm tải một số nội dung bộ SGK lớp 4, 5 theo chương trình 4 tiết/tuần cho phù hợp khi triển khai dạy đại trà; giới thiệu đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên nước ngoài về các địa phương, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa học tập ngoại ngữ ở các nhà trường để giúp phong trào học ngoại ngữ và nâng cao chất lượng học ngoại ngữ.
Đồng thời đề xuất Bộ GDĐT sửa đổi Thông tư 32 về đánh giá học lực, hạnh kiểm học sinh, theo đó coi môn tiếng Anh là môn học bắt buộc, tham gia đánh giá xếp loại học lực học sinh.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết chỉ có thể hỗ trợ kinh phí ở mức giới hạn của Đề án cho phép cũng như tổ chức các lớp bồi dưỡng đào tạo giáo viên. Một số kiến nghị về chính sách Bộ sẽ xem xét điều chỉnh. Các sở cần chủ động đề xuất với địa phương hỗ trợ về chính sách kinh phí cũng như cần tự chủ để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên của địa phương có cơ hội tiếp cận với đề án để bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy, chuyên môn.
Nguyệt Hà