Đề án hướng đến các đối tượng là bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi với mục tiêu cụ thể là cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam - Ảnh minh họa |
Mục tiêu cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam là: đối với nam 18 tuổi, năm 2020 có chiều cao trung bình 167cm và đến năm 2030 chỉ số này là 168,5cm; đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156cm và đạt 157,5cm vào năm 2030.
Nhiệm vụ cải thiện thể lực được đặc biệt chú trọng là sức bền và sức mạnh của thanh niên, trong đó năm 2020 khả năng chạy tùy sức 5 phút của nam 18 tuổi được tính trong quãng đường trung bình đạt 1.050m, chỉ số này ở nữ 18 tuổi là trong quãng đường trung bình đạt 850m.
Bên cạnh đó, Đề án đặt mục tiêu tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên nhằm giảm thiểu các bệnh về tim mạch, bệnh béo phì, bệnh gây bất bình thường về chiều cao thân thể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống...
Đề án được thực hiện trong phạm vi toàn quốc và chỉ đạo trọng điểm ở 4 thành phố, 6 trỉnh đồng bằng miền núi.
Đề án được thực hiện trong 20 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2011-2020 thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao. Giai đoạn 2 từ 2021-2030 sẽ thực hiện mở rộng trong phạm vi toàn quốc.
4 chương trình của Đề án
Chương trình 1: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Chương trình này do Bộ Y tế chủ trì thực hiện, với nhiệm vụ là xây dựng các chỉ số sinh học và các tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc; đồng thời đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Chương trình 2: Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan.
Trong chương trình này sẽ nghiên cứu đề xuất chuẩn thực đơn dinh dưỡng hàng ngày phù hợp với các đối tượng; thí điểm hướng dẫn và thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học...
Chương trình 3: Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3-18 tuổi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 55% tổng số trường phổ thông các cấp có câu lạc bộ thể dục thể thao, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao... và tỷ lệ này tăng lên 90% vào năm 2030.
Chương trình 4: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.
Tuấn Khang