Theo ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, vai trò của đường thủy nội địa trong lưu thông là rất lớn, tuy nhiên mức đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong khi vận tải thủy chiếm gần 20% tổng sản lượng và luân chuyển hàng hóa của cả nước.
Có thể hiểu rằng, cứ 100 tấn hàng hóa thì đã có 20 tấn vận chuyển bằng đường thủy nội địa, trong khi đó giai đoạn mức đầu tư vào thủy nội địa chỉ đạt 1,4% tổng mức đầu tư dành cho hạ tầng giao thông vận tải (chiếm chưa đến 2 đồng trong tổng mức đầu tư 100 đồng cho hạ tầng giao thông).
Hiện trạng về địa lý khu vực phía nam có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt không chỉ là lợi thế trong việc nâng cao năng lực vận tải đường thủy, mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sông nước. Tuy nhiên giao thông thuỷ lại hoạt động rất ít và manh mún, những tiềm năng này khó phát triển trong thực tế, do những vật cản cố định tồn tại suốt nhiều năm qua là độ tĩnh không, khẩu độ của các cây cầu.
Chia sẻ về hiện trạng giao thông đường bộ quá tải, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho biết, trong khi các tuyến giao thông đường bộ chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hàng hóa khu vực ĐBSCL vận chuyển lên TPHCM và các cảng lớn nước sâu hầu hết bằng đường bộ. Khó càng thêm khó khi chi phí logistics tăng cao, kéo theo giá thành tăng, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Các Khu/cụm công nghiệp, nhà máy, bến cảng, bến thủy nội địa, ... trong khu vực chưa được kết nối thông suốt với nhau và với các cảng nước sâu ở các khu vực khác cũng như quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí logistics rất cao trong luân chuyển hàng hóa.
Nếu các tuyến giao thông thủy-bộ ĐBSCL được quan tâm và đầu tư kết nối hoàn chỉnh, sẽ mang nhiều ý nghĩa xã hội, giúp tháo gỡ "nút thắt" cho lưu thông hàng hóa và góp phần giảm chi phí logistics cho ĐBSCL, từ đó thu hút nhà đầu tư về các tỉnh ĐBSCL (do khi đó các nhà máy sản xuất đặt ở Bạc Liêu hay Trà Vinh, chi phí đầu tư và vận chuyển hàng hóa không khác so với đặt ở TPHCM, Bình Dương, hay Đồng Nai,...). Điều này sẽ tạo nguồn thu cho địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh ĐBSCL.
Từ ý nghĩa đó, với kỳ vọng đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL, Đồng Tâm Group đã có ý tưởng phác thảo đầu tiên của Đề án "Tàu buýt container" (được hiểu là buýt sông gom hàng trên trục, các bến của buýt sông chính là các bến cảng/bến thủy nội địa).
Đề án nghiên cứu ưu tiên sử dụng các cảng hiện hữu nằm trên tuyến quy hoạch và lưu thông thuận lợi. Các bến được quy hoạch kết nối hoặc gắn liền với các khu/cụm công nghiệp,...
"Tôi mong muốn làm sao để hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng hóa các nước, còn ĐBSCL sẽ có thêm nhiều tỉnh giống như Bình Dương, Đồng Nai...", ông Thắng chia sẻ.
Đề án đang bắt đầu bước vào giai đoạn thu thập thông tin, mời tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn từ các chuyên gia, công ty chuyên ngành, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng để lập kế hoạch triển khai chi tiết; đồng thời, dựa trên những cơ sở nền tảng là sự cho phép, ủng hộ của Chính phủ, đúng với quy hoạch của Bộ GTVT và các quy định của ngành, ngoài ra còn cần sự phối hợp và hỗ trợ từ chính quyền các địa phương, cũng như sự đồng hành của các đối tác, các doanh nghiệp.
Đánh giá cao về ý tưởng và tầm nhìn của Đề án này, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, ông Bùi Thiên Thu cho rằng, ngoài việc giải quyết những vấn đề thực trạng đã nêu, khi đề án đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Do đó, Ban Đề án cần đặc biệt quan tâm những vấn đề sau: Quy hoạch phải bảo đảm tính hiệu quả, xác định điểm đầu và điểm cuối của tuyến, nghiên cứu về sản lượng có thể khai thác, đặc biệt, cần có bước thử nghiệm như đưa vào vận hành tuyến mẫu (đây là những yếu tố then chốt khẳng định tính khả thi của Đề án); ứng dụng công nghệ vào vận hành….
Ông Thu cũng cho biết, trong xu hướng chung container hóa về vận chuyển, thì Đề án gần như là một phần của lời giải bài toán logistics vùng ĐBSCL và đặc biệt có ý nghĩa đối với hàng hóa nông sản đặc trưng của vùng.
Cũng trong buổi làm việc, Đồng Tâm Group đã nêu lên kiến nghị gửi đến Bộ GTVT, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, trong đó có quy định về bảo đảm khẩu độ và độ tỉnh không cầu hướng đến phát triển bền vững vận tải thủy nội địa khi triển khai xây dựng các cây cầu mới và có lộ trình xây dựng lại các cầu không đạt tiêu chuẩn nói trên. Đây sẽ là giải pháp căn cơ dành cho bài toán vận chuyển hàng hóa khu vực ĐBSCL trong tương lai nói riêng và các tỉnh thành lân cận, cũng là tiền đề vững chắc để phát triển giao thông thủy, vận tải đa phương thức, chia lửa với giao thông đường bộ đang quá tải.
Bên cạnh đó, Đồng Tâm Group cũng kiến nghị Bộ GTVT quan tâm và có lộ trình đầu tư chỉnh trang các tuyến sông, luồng lạch,... vùng ĐBSCL. Kiến nghị Cục Đường thuỷ nội địa kết hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hoạt động vận tải để tham mưu Bộ GTVT điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình mới.
Với ý nghĩa và lợi ích của đề án trong việc góp phần giảm chi phí logistics, tạo đà cho hàng hóa xuất khẩu khu vực ĐBSCL phát triển, Ban Đề án tin tưởng rằng Lãnh đạo Trung ương, các cấp các ngành và lãnh đạo địa phương sẽ quan tâm ủng hộ đề án "Tàu buýt container".
Minh Thi