Ngày 13/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên cả nước trong năm 2025.
Nhiều người đã rất xúc động khi nghe những chia sẻ rất chân thành và tâm huyết của Người đứng đầu Chính phủ tại sự kiện này. Càng xúc động hơn khi Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tận thôn bản để tham gia khởi công, đào móng nhà, cho bà con.
Như Thủ tướng chia sẻ, mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, không màu mè, không hình thức, giúp người nghèo hiện thực hóa ước mơ bao đời nay, là "an cư lạc nghiệp".
Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong không khí cả nước đang thi đua sôi nổi hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Thực tế những năm qua, Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành một hình mẫu về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới!
Hầu hết các hộ dân trên cả nước đã có nhà ở kiên cố, an toàn, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hàng trăm nghìn hộ gia đình đang phải sinh sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát. Điều này khiến mỗi chúng ta không khỏi chạnh lòng, day dứt.
Cách đây khoảng 1 tháng, chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (16/3/2024), Thủ tướng đã thông báo trước về một phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ sớm được phát động trên toàn quốc, bởi nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp". Khi đó, thông tin này được các doanh nghiệp, hiệp hội tại hội trường vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Thực tế, trong công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không tháng nào không là tháng vì người nghèo khi tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đều dành thời gian để tổng kết lại việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thu nhập của các hộ gia đình thay đổi ra sao, kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, số gạo hỗ trợ dịp Tết, giáp hạt, cần ban hành thêm chính sách, chương trình gì cho người nghèo…
Thủ tướng luôn nêu rõ tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân và cho tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng. Như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Chính phủ luôn nỗ lực, quyết liệt triển khai các biện pháp để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, để mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên. Dù ngân sách còn khó khăn, Chính phủ vẫn dành một nguồn lực đáng kể cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tại lễ phát động phong trào thi đua Cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát", Thủ tướng đã đưa ra mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025.
Thời gian triển khai không dài, trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹn. Vì vậy, "chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng và cảm thông", Thủ tướng từng nói.Thủ tướng nhấn mạnh:các chủ thể liên quan phải đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động.
Đúng vậy, giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích đo đếm bằng các con số, mà phải thực sự tạo dựng được cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần cho người dân, giúp người dân thoát hẳn cảnh đói nghèo một cách bền vững mà trước hết là có chỗ "an cư" để "lạc nghiệp". Các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải thực hiện các công việc một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, linh hoạt, không màu mè, hình thức.
Để phong trào đạt được kết quả như mong đợi, rất cần sự nỗ lực của cả cộng đồng, sự sẻ chia của những tấm lòng, cần có thêm những vòng tay kết nối thiết thực hơn nữa… Xóa nhà tạm, nhà dột nát phải với tinh thần "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".
Đây là sẽ cuộc tổng khởi công mạnh mẽ, không chỉ thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, mà đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên từ chính các hộ nghèo, với tinh thần Điện Biên Phủ, đoàn kết để chiến thắng đói nghèo. Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ cùng hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở.
Có như vậy, phong trào thi đua cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" sẽ lan tỏa rộng khắp trong xã hội, cộng đồng và sẽ thành công tốt đẹp, đạt hiệu quả thực chất như sự tin tưởng của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tại lễ phát động.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (2025), kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và xa hơn là 100 năm thành lập nước (2045), từ chỗ "cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ" (thơ Chế Lan Viên) khi chưa giành được độc lập, thống nhất, tự do, chúng ta đang hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần, như "ham muốn tột bậc" của Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời: Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng có chỗ ở đàng hoàng…
Đức Tuân