In bài viết

Để câu hát Xoan tiếp tục gắn kết tình đoàn kết cộng đồng

(Chinhphu.vn) – Sau 6 năm nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng, tháng 12/2017, hát Xoan Phú Thọ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

02/02/2018 14:19

Giờ ngoại khóa hát Xoan của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Việt Trì). Ảnh: Báo Phú Thọ

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết theo kế hoạch, lễ đón nhận Bằng UNESCO công nhận “Hát Xoan Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” được tổ chức vào 20 giờ ngày 3/2/2018  (tức ngày 18 Chạp Đinh Dậu) tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì.

Hát Xoan là lối hát thờ thần có từ thời các Vua Hùng. Đây  là loại hình dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng.

Hát Xoan ra đời từ các làng cổ nằm trên vùng đất kinh đô Văn Lang xưa (trùng với địa bàn thành phố Việt Trì ngày nay). Có 4 phường Xoan gốc được lấy tên theo địa danh làng cổ, đó là: Phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu), phường Xoan Phù Đức, phường Xoan Kim Đới, phường Xoan Thét (xã Kim Đức). Với tục hát cửa đình của các phường Xoan, từ địa bàn 4 phường xoan gốc trên,  hát Xoan đã phát triển và lan tỏa ra 30 đình, miếu thuộc 18 xã của hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc .

Hằng năm, vào ngày mồng Một tháng Giêng, các phường Xoan tiến hành làm lễ ở trước miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng, sau đó chia nhau đi hát ở các làng kết nghĩa.  Hát Xoan có tổ chức phường họ, có những quy định về tổ chức, những tục lệ riêng. Họ Xoan dưới sự dẫn dắt của ông trùm phường rong ruổi tới hát thờ ở các ngôi đình của các làng kết nghĩa…

Hát Xoan được trình diễn trong khoảng thời gian từ lúc lên đèn, qua đêm đến rạng sáng hôm sau thì tan cuộc. Tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh kinh tế và tục thờ của mỗi làng mà phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ chương trình gồm các chặng hát vào khoảng hơn 2.000 câu hát.

Hiện nay, 4 phường Xoan cổ nói trên vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn giá trị di sản này...

Tuy nhiên “con đường” để hát Xoan trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng khá “gian truân”.

Năm 2009, hát Xoan được lựa chọn xây dựng “Hồ sơ hát Xoan trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới”.

Ngày 24/11/2011, hát Xoan được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”. Sau 5 năm, ngày 4/12/2015, UNESCO cho phép hát Xoan Phú Thọ là trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên và ngoại lệ được tiến hành lập hồ sơ để đến năm 2017, cơ quan này xem xét chuyển từ danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngày 8/12/2017, tại Hàn Quốc, phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO chính thức công nhận hát Xoan Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với sự đồng thuận rất cao của các quốc gia thành viên.

Việc hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” cũng là sự công nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, các phường Xoan gốc ở Phú Thọ và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

Để đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn khẩn cấp, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này.

Theo Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, trước đây, trong tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép hát Xoan, trong đó một nửa đã hơn 60 tuổi và trong số này, chỉ còn 7 nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành, truyền dạy.

Đến nay, ngoài 4 phường Xoan gốc, trong tỉnh còn có nhiều câu lạc bộ hát Xoan các cấp với hàng nghìn người tham gia (cấp tỉnh có 34 câu lạc bộ, 1.557 thành viên; cấp huyện có 64 câu lạc bộ với hơn 1.300 thành viên; cấp xã có 42 câu lạc bộ với hơn 1.400 thành viên). Lớp nghệ nhân kế cận (từ 30-60 tuổi) được truyền dạy và đào tạo là 62 người. Trong tỉnh, có 20/30 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện tổ chức hát Xoan. Cũng trong nỗ lực bảo tồn, hiện 100% trường tiểu học, trung học cơ sở đưa hát Xoan là một nội dung giảng dạy ở môn âm nhạc…

Trình diễn hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, Việt Trì. Ảnh: Báo Phú Thọ

Để câu hát Xoan tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng theo đúng tinh thần của một di sản văn hóa đại diện nhân loại của UNESCO, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết trong năm 2018, tỉnh tiếp tục triển khai công tác truyền dạy, thực hành hát Xoan cho đối tượng là hạt nhân văn nghệ thuộc các câu lạc bộ hát Xoan và dân ca trên địa bàn, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; tiếp tục đưa hát Xoan vào trường học…

Tỉnh cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) gắn với công tác vinh danh “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” và “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ”; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thực hành hát Xoan tại các phường Xoan, đồng thời chú trọng truyền dạy cho thanh, thiếu nhi tại những phường Xoan gốc vì đây là đối tượng trực tiếp tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trên chính mảnh đất quê hương mình...

Thanh Xuân