In bài viết

Đề cương Văn hóa đã khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân

(Chinhphu.vn) - Trước cách mạng tháng 8/1945, với áp lực của văn hóa ngoại lai, Đảng ta cho ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Với chủ trương "văn hóa còn, dân tộc còn", tư tưởng về văn hóa dân tộc của Đảng đã khơi dậy được lòng yêu nước tiềm tàng ẩn sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

26/02/2023 12:25
Đề cương văn hóa đã khơi gợi lòng yêu nước trong mỗi người dân - Ảnh 1.

NSND Huỳnh Văn Hùng - Ảnh: VGP/Thế Phong

Đó là ý kiến của NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng khi nói về Đề cương Văn hóa năm 1943.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, 80 năm trước, khi Nhật, Pháp cấu kết với bè lũ tay sai, dùng thủ đoạn trói buộc vǎn hóa với ý đồ "giết chết" vǎn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương Văn hóa) đã đáp ứng yêu cầu lịch sử, thể hiện một tầm nhìn chiến lược, kết hợp đấu tranh chính trị, vũ trang và văn hóa của Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng tháng 8 cũng như thắng lợi về sau của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

3 nguyên tắc vận động đúng lúc, kịp thời

Đề cương đặt ra 3 nguyên tắc vận động "dân tộc, khoa học và tính đại chúng". Đây cũng là mục tiêu, quan điểm xuyên suốt của nền văn hóa dân tộc trong nhiều thập kỷ qua. 

Về nguyên tắc dân tộc học, trong bối cảnh trước Cách mạng tháng 8/1945, nhân dân ta chịu tác động nhiều luồng văn hóa khác nhau như văn hóa Trung Hoa từ lâu muốn đồng hóa văn hóa Việt Nam, thực dân Pháp lấy chiêu bài khai hóa văn minh các thuộc địa, đế quốc Nhật thực hiện chủ trương Đại Đông Á.

Những tác động văn hóa ngoại lai như vậy đã gây áp lực rất lớn cho văn hóa dân tộc. Do đó, Đảng ta đề ra văn hóa dân tộc là rất kịp thời bởi nếu văn hóa mất thì dân tộc mất. Với chủ trương này, cho đến nay chúng ta đã khơi gợi được lòng yêu nước tiềm tàng ẩn sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Văn hóa dân tộc đã thôi thúc lòng tự hào, tinh thần dũng cảm đứng lên chống giặc ngoại xâm. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ lên đường ra trận, sáng tác đủ các loại hình nghệ thuật mang tính dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Cho đến nay tính dân tộc trong đề cương văn hóa vẫn nguyên giá trị, là chủ trương rất kịp thời, đúng lúc, đẩy lùi những tưởng văn hóa ngoại lai của các thế lực ngoại xâm. Sau này, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII mở rộng, Đảng ta vẫn khẳng định xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đảng ta vẫn kế thừa và phát triển Đề cương văn hóa.

Còn nguyên tắc khoa học nhằm chống lại những tư tưởng văn hóa phản khoa học, phản tiến bộ. Đây cũng là chủ trương đúng đắn và kịp thời, bởi trước Cách mạng tháng 8, có hơn 90% người dân Việt Nam mù chữ, dân trí thấp nên dễ bị tư tưởng phản khoa học, phản tiến bộ lừa bịp... 

Vì vậy việc đề ra yếu tố khoa học vào trong văn hóa đã đẩy lùi những trào lưu phản tiến bộ, mê tín, dị đoan, hủ tục, những thứ cản trở quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, nhân dân dần thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống, tiếp cận được với thời đại, với văn minh của thế giới.

Đối với nguyên tắc đại chúng, Đề cương Văn hóa đã hướng tới số đông, huy động các tầng lớp nhân dân tham gia vào mặt trận yêu nước, góp phần làm cách mạng thành công. Như vậy, có thể khẳng định Đề cương Văn hóa đã đặt ra 3 nguyên tắc vận động đúng lúc, kịp thời, là cơ sở, nền tảng cơ bản để phát triển văn hóa dân tộc và cho đến nay, những nguyên tắc này vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, có ý nghĩa dẫn dắt hướng phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tô quốc.

Xã hội càng phát triển thì càng cần sự quan tâm về  văn hóa

Ngày nay, trong thời đại 4.0, xã hội đang phát triển thì chúng ta phải cần phải đặc biệt quan tâm hơn về văn hóa. Hiện nay có những hiện tượng văn hóa đi ngược lại nguyên tắc khoa học. Đó là sự trỗi dậy của những trào lưu văn hóa cũ, lạc hậu, mê tín; cái xấu, cái ác, sự vô cảm vẫn còn; rồi chuyện "buôn thần bán thánh", xin quẻ, bói toán... xuất hiện trong hoạt động lễ hội... Đây là những hiện tượng cần loại bỏ...

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, theo ông Huỳnh Văn Hùng, chúng ta phải tiếp tục kế thừa, vận dụng phát huy một cách sáng tạo Đề cương Văn hóa, tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Vừa phát triển văn hóa quần chúng nhưng cũng cần quan tâm đến văn hóa, văn nghệ mang tính chuyên nghiệp.

Quản lý chặt chẽ việc xây dựng các cơ sở chùa chiền, đền thờ mang tính tâm linh, tín ngưỡng. Không khuyến khích, không tạo điều kiện để xây dựng những cơ sở tâm linh đồ sộ chiếm nhiều đất, phá hủy cảnh quan môi trường nhằm mục đích trục lợi cho nhóm lợi ích.

Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, chống hủ tục, mê tín, di đoan và vừa lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới./.

Thế Phong