Một là, phát triển nhanh và bền vững gắn liền với nhau trong suốt quá trình thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước.
Cần nhận thức cốt lõi của sự phát triển nhanh, bền vững là phát triển kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước. Tiếp tục có những biện pháp tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thật sự coi năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là những biện pháp ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phát triển hài hòa với tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống các tầng lớp nhân dân. Gắn liền việc phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường.
Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, xã hội loài người có những bước nhảy vọt, cho nên muốn hội nhập, chúng ta phải phát triển mạnh về khoa học công nghệ để phát triển nhanh, bền vững. Trong quy hoạch về chính sách phát triển luôn gắn chặt phát triển nhanh với phát triển bền vững; gắn phát triển kinh tế với ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Hai là, đổi mới đồng bộ về kinh tế và chính trị vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại hội XI của Đảng chỉ rõ đổi mới trong lĩnh vực chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Trọng tâm trước mắt và lâu dài là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện dân chủ, công khai, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Coi thực hiện mục tiêu ấy là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả quá trình đổi mới và phát triển.
Ba là, phát huy nhân tố con người, coi con người vừa là chủ thể, vừa là động lực phát triển nhanh, bền vững.
Thực hiện dân chủ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là điều kiện khơi dậy những tiềm năng, trí tuệ của con người để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Có cơ chế, chính sách phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội; giải phóng mọi nguồn lực để xây dựng đất nước. Nghiên cứu, phát hiện và có chính sách thiết thực nhằm phát huy lợi thế về dân số và con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội.
Bốn là, phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực tế, sự phát triển kinh tế - xã hội hơn 25 năm qua ở nước ta đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là do Đảng ta tiến hành giải phóng sức sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất một cách phù hợp với lực lượng sản xuất. Có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vai trò định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp nhần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường, điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Khuyến khích các chủ thể kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy định.
Có chính sách quản lý điều hành nền kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Phát triển đồng bộ, lành mạnh các loại thị trường. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, phân phối công bằng, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Năm là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu.
Bài học độc lập tự chủ, phát huy nội lực kết hợp với sức mạnh bên ngoài luôn bảo đảm cách mạng nước ta thắng lợi qua các thời kỳ, không phụ thuộc vào bên ngoài. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, có hiệu quả. Các doanh nghiệp trong nước phát triển vững chắc, tạo các thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh ở trong nước và thị trường thế giới, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước. Tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo tình hình, nắm quy luật và xu thế phát triển kinh tế - xã hội thế giới trong thời đại ngày nay, để chủ động thích ứng với sự biến đổi, bảo đảm hiệu quả và lợi ích quốc gia.
Sáu là, tạo ra sức mạnh thống nhất giữa kinh tế, chính trị và bảo vệ đất nước.
Để phát triển nhanh, bền vững đất nước trong thế giới hiện đại, không thể tách rời các yếu tố của sự phát triển toàn diện. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước suốt mấy chục năm qua, Đảng ta chủ trương đổi mới kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng không tách rời nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Sức mạnh của sự thống nhất các yếu tố nêu trên là nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững ở nước ta. Mấu chốt của sự thống nhất ấy là thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, bảo đảm lợi ích công bằng trong các tầng lớp nhân dân, cùng hướng tới mục tiêu chung dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vấn đề này; đổi mới các hoạt động quản lý của Nhà nước, thực hiện dân chủ, công bằng, công khai; đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng lòng tin của nhân dân.
PGS. TS. Trần Quang Nhiếp