Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Cổng TTĐT các tỉnh, thành phố trên cả nước, đại diện Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên nhìn nhận, trong những năm qua, sự phát triển bùng nổ, mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên toàn thế giới đã làm thay đổi phương thức vận hành mọi mặt của đời sống xã hội, hình thành nên một không gian mới, đó là không gian mạng.
Không gian mạng đã và đang mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội, tổ chức và cá nhân. Không gian mạng làm cho con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động hơn mọi mặt của đời sống và các mối quan hệ xã hội. Chính điều này đã biến không gian mạng trở thành không gian xã hội mới, không bị giới hạn bởi địa lý, ngôn ngữ, không gian vật lý và thời gian.
Bên cạnh đó, không gian mạng còn là nền tảng số trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, các Chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", không gian mạng là nơi diễn ra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên môi trường số; nơi thực hiện các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không gian mạng cũng mang lại nguy cơ, thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với những người vận hành Cổng Thông tin điện tử.
Ở nước ta, hiện nay các thế lực thù địch đang lợi dụng không gian mạng như một công cụ để tung tin bịa đặt, lan truyền các luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá sự nghiệp cách mạng, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Mặt khác, không gian mạng với đặc tính "ảo", dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, thông tin xấu, độc, kể cả theo phương thức "mưa dầm thấm lâu" nhằm khiến công chúng tin. Trong khi đó, nhiều người dùng, nhất là thanh thiếu niên, những người có ý thức, nhận thức đang trên đà hoàn thiện và lại sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, chính là những đối tượng rất dễ bị kích động, lôi kéo. Trước tình hình đó, đòi hỏi cần phải nâng cao vai trò của Cổng/Trang thông tin điện tử trong việc định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng.
Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 29 ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng", đại diện Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên đề xuất một số giải pháp để góp phần thực hiện việc định hướng thông tin trên không gian mạng một cách chính xác, hiệu quả.
Thứ nhất, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân (đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động) thông qua việc tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Bộ luật Hình sự (năm 2015) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015); Luật An ninh mạng (năm 2018)... Phòng ngừa, ngăn chặn, phản bác, đính chính các thông tin sai trái trên mạng xã hội; định hướng lồng ghép các thông tin chính trị chính thống.
Thứ hai, xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại bằng các ứng dụng công nghệ thực tế ảo AI hay 3D, để làm kho tư liệu tuyên truyền trên không gian mạng; tổ chức các cuộc thi viết, phóng sự… tuyên truyền giữa Cổng/Trang thông tin các đơn vị trong tỉnh và các tỉnh với nhau, có tính thu hút và lan toả rộng rãi.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cộng tác viên Cổng/Trang Thông tin điện tử từ Trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, xã để tuyên truyền, phản bác thông tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Chủ động đăng tải, tích cực bình luận (comment), chia sẻ (share) những thông tin tích cực, tin, bài, hình ảnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương người tốt, việc tốt tại cơ quan, đơn vị, địa phương để "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; lan tỏa ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Thứ tư, chủ động chọn lọc, kiểm chứng thông tin, nhanh chóng cung cấp thông tin chính xác, nhất là những thông tin tích cực từ báo chí chính thống trên Cổng/Trang thông tin cũng như trên mạng xã hội.
Thứ năm, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bằng các điều khoản, các quy định rõ ràng, cụ thể.
Thứ sáu, xác định công tác tuyên truyền đến người dân, toàn xã hội không chỉ dành riêng cho đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền mà còn là trách nhiệm chung của mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, các địa phương.
Thứ bảy, gắn trách nhiệm về tính xác thực thông tin đối với các nhà mạng, các công ty cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia mà họ đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp.
PV